Tín dụng chính sách hỗ trợ hộ nghèo vượt khó

16/11/2023 06:09

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành “chỗ dựa” vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Chị Y Blưn - Chủ tịch Hội nông dân xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) chia sẻ: “Trước đây nhiều hội viên chăm chỉ nhưng nghèo khó cứ đeo bám mãi vì cách làm lạc hậu, không biết tích lũy để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước về kỹ thuật, cây giống, phân bón, đặc biệt là có nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, bà con mới có điều kiện thử nghiệm, học hỏi nhiều mô hình, cách làm hay và phát triển sản xuất hiệu quả, thoát nghèo nhanh hơn. Toàn Hội hiện có 809 hội viên, trong đó có 523 hội viên đang vay vốn tín dụng chính sách và chỉ còn 2 hộ nghèo”.

Chị Y Thái (phải) vui vẻ trò chuyện với cán bộ làm công tác tín dụng chính sách. Ảnh: H.T

 

Năm 2018, sau khi sinh đứa con thứ 2, chị Y Thái ở thôn Plei Sar phát hiện bị suy thận. Chỉ thời gian ngắn, gia đình chị rơi vào cảnh nghèo khó vì không có tiền trang trải cuộc sống, vườn cà phê bỏ hoang vì không có tiền đầu tư chăm sóc. Đúng lúc khó khăn, chị được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo của NHCSXH để vừa chữa bệnh vừa có tiền đầu tư chăm sóc hơn 4 sào cà phê. Cùng thời điểm, được địa phương tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn cách thức phát triển sản xuất, chị lấy ngắn nuôi dài, tích lũy dần và đầu tư trồng thêm được 1ha cao su. Trả hết vốn vay từ NHCSXH, gia đình chị thoát nghèo trong niềm vui và sự ngưỡng mộ của bà con lối xóm, trở thành hộ sản xuất kinh doanh khá tại địa phương.

Bên trong căn nhà khang trang của mình, chị Y Thái vui mừng chia sẻ: “Nhờ có đồng vốn vay kịp thời lúc khó khăn, và sự tuyên truyền hướng dẫn của địa phương mà gia đình tôi vực dậy được kinh tế, ổn định cuộc sống. Đã từng rơi vào cảnh khó khăn nên tôi hiểu được ý nghĩa của đồng vốn tiết kiệm, nên giờ tôi biết cách chi tiêu, tích lũy để tái đầu tư sản xuất, phòng ngừa lúc rủi ro, ốm đau”.

Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Bám sát mục tiêu giảm nghèo và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, NHCSXH tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung huy động nguồn lực tài chính từ Trung ương và địa phương để tạo lập nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Với sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc của các ban, ngành địa phương đã giúp hộ nghèo không những được tiếp cận vốn ưu đãi kịp thời, mà còn làm chuyển biến nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động trong đời sống sản xuất”.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn vốn vay từ tín dụng chính sách. Ảnh: HT

 

Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 4.200 tỷ đồng với gần 72 nghìn hộ còn dư nợ. Trong đó, thực hiện cho vay theo  Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có dư nợ gần 420 tỷ đồng; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP đạt dư nợ 149 tỷ đồng với trên 3.200 hộ còn dư nợ.

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 402 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để xây dựng, sửa chữa nâng cấp gần 130 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tạo việc làm cho 38.720 lao động; 20.691 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 14 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ chính sách; 516 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng 498 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP; giúp gần 91 nghìn hộ nghèo, cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo.  

Ông Nguyễn Văn Chung cho biết: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tập trung triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao trong năm 2023; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo thuận lợi cho người vay tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn, đặc biệt là cho vay theo Nghị quyết số
11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết 67/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Kon Tum về đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen; Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù”.                               

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác