Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

23/09/2019 06:03

5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Từ đó đã giúp hơn 135.650 lượt hộ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; trong đó 23.000 hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Công tác tín dụng chính sách còn góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tiến tới ổn định xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 2014-2019 thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Tỉnh ủy tổ chức, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên về triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn. Điều này thể hiện qua công tác chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 86-KH/TU ngày 12/3/2015 về cụ thể hóa công tác thực hiện tín dụng chính sách gắn với nhiệm vụ, chức năng, tình hình thực tế cơ sở, nhằm giúp hộ nghèo, hộ chính sách được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi mà Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đồng thời, coi công tác này là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài vì mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và thay đổi diện mạo nông thôn mới của địa phương...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy về triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền 10 huyện, thành phố đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội vươn rộng khắp như: Bố trí 100% chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) cấp huyện; quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; chỉ đạo thường xuyên bám sát các tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chủ động rà soát, bổ sung kịp thời danh sách đối tượng thụ hưởng đúng quy định và đảm bảo giải ngân vốn vay kịp thời. Hàng năm, các địa phương và sở ngành thường xuyên phối hợp tuyên truyền, lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với hỗ trợ khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến hộ nghèo, cận nghèo...

Các ngành chức năng tỉnh đã tham mưu tối đa nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ trung ương chuyển về, để xem xét, quyết định bố trí ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách liên quan trên địa bàn gần 67 tỷ đồng.

Mô hình cà phê thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách của bà con nhân dân xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô). Ảnh: MT

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị mở tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại Ngân hàng CSXH tỉnh để góp phần tạo lập nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. 

Riêng đối với người dân được “tiếp sức” nguồn vốn vay tín dụng đã mạnh dạn tham gia các phong trào lồng ghép trên để phát huy vốn đầu tư, cũng như tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất và lợi ích kinh tế, theo định hướng của địa phương đề ra.

Đối với Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương, thời gian qua đã đẩy mạnh cụ thể hóa các chương trình tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, đúng quy định. Hàng năm, Ngân hàng CSXH trong tỉnh thực hiện các chỉ tiêu hoạt động tín dụng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng lên.

Hiện tại, hệ thống Ngân hàng CSXH trong tỉnh đã và đang triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách, tăng 6 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, có tổng nguồn vốn cho vay đạt gần 2.540 tỷ đồng, tăng hơn 1.095 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW; đã có 135.650 lượt hộ đối tượng được vay vốn; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt gần 11,4% - với trên 64.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; chất lượng tín dụng chính sách có tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,65% (năm 2014) xuống còn 0,28%.

Đồng chí Bùi Duy Chung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 86-KH/TU của Tỉnh ủy, Mặt trận tỉnh thường xuyên chỉ đạo tổ chức đoàn thể các cấp phối hợp tích cực với Ngân hàng CSXH, chính quyền tuyên truyền, giải ngân vốn thuộc các chương trình tín dụng chính sách đến nhân dân; thực hiện tốt việc bình xét, vận động đoàn viên, hội viên và các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng hạn.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng hướng dẫn mặt trận các cấp phối hợp sở, ngành, địa phương thông tin tuyên truyền về những phương thức, thủ đoạn và hậu quả ngoài xã hội cho vay “tín dụng đen” với lãi suất cao bất thường, trái quy định pháp luật, các vụ việc nghiêm trọng huy động tài chính lớn dẫn đến vỡ hụi, vỡ họ... để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, không vướng vào vi phạm trên.

Các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã thực hiện quản lý hiệu quả 1.677 tổ tiết kiệm và vay vốn chính sách tín dụng theo đúng quy định về nhận ủy thác. Đối với người vay vốn có thực hiện việc giao dịch giải ngân vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm đúng quy định và đều có sự chứng kiến của cán bộ đoàn thể chính trị-xã hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương.

Đối với chính quyền cơ sở, từ sự tiếp xúc nhiều hơn với người dân đến giao dịch tại trụ sở UBND xã, lãnh đạo địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đã giải quyết các khó khăn, vướng mắc thấu đáo cho người dân, góp phần giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn.

Điều đáng biểu dương là, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, toàn tỉnh có hơn 23.000 hộ tiếp cận vốn vay đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,11% xuống còn 17,29% (cuối năm 2018); 18/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ nét. Nguồn vốn ưu đãi được phát huy còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các hộ, tiến tới góp phần phát triển kinh tế ổn định ở địa phương.

Mai Trâm

Chuyên mục khác