Tìm kiếm tài năng trẻ cho phong trào sáng tác văn học nghệ thuật Kon Tum

27/06/2019 13:08

Đã nhiều lần, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum phát động phong trào sáng tác văn học nghệ thuật nhằm tạo sân chơi bổ ích để các tài năng trẻ thể hiện mình dưới những góc nhìn về cuộc sống thông qua những tác phẩm thuộc các hình thức sáng tạo, như: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian… Dù vậy, việc tìm ra những tài năng văn học nghệ thuật trẻ để nối tiếp thế hệ đi trước vẫn là điều khó khăn; sự thiếu hụt những gương mặt trẻ trong Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho đến nay vẫn là khoảng trống chưa thể bồi lấp được.

Trước đây, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi văn học ở địa phương nhằm tìm kiếm tác giả mới, tài năng trẻ của tỉnh để tôn vinh, bồi dưỡng trở thành lực lượng kế cận.

Tuy nhiên, hiện nay trong danh sách hơn 120 hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, thì hầu hết là những hội viên có tuổi đời đã vào hàng 50, 60, 70… Những hội viên 35 tuổi (độ tuổi được gọi là tác giả trẻ - theo qui định của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) là rất ít, thậm chí chỉ  đếm trên đầu ngón tay. Điều này khiến những ai có quan tâm tới tình hình và phong trào sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh nhà đều không khỏi băn khoăn lo ngại nguy cơ “già hóa” đội ngũ hội viên trong Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Từ đó có người đặt câu hỏi: phải chăng ngày nay người trẻ không còn tha thiết với văn học nghệ thuật?

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ - Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Tổ trưởng Chuyên ngành Văn học cho biết: Chúng tôi đã cố gắng nghe ngóng, phát hiện, động viên, bồi dưỡng và phát triển một số cây bút trẻ thành hội viên của Hội, nhưng nhìn chung vẫn… “lác đác như lá mùa thu; lưa thưa như sao buổi sớm”! Điều cốt lõi nhất trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật trước hết phải là năng khiếu bẩm sinh trước khi nói đến chuyện bồi dưỡng và phát triển. Có người lúc ban đầu phát lộ tài năng thực sự, nhưng lại là… sở đoản, không duy trì và theo kịp cuộc chơi cần “trường lực, trường vốn” này. Có người vẫn tiếp tục cuộc chơi, nhưng năng lực sáng tạo, tư duy nghệ thuật… không có nhiều bứt phá, trẻ trung, mới mẻ để bắt kịp xu hướng phát triển của văn học nghệ thuật hiện đại, chỉ “giậm chân tại chỗ” và tạm bằng lòng với những gì mình có được.

Thực tế hiện nay trên mạng xã hội, bạn đọc rất dễ dàng bắt gặp nhiều người trẻ tận dụng cơ hội quảng bá tác phẩm qua những trang web của các tổ chức văn học và tự lập cho mình trang web, trang blog, trang facebook cá nhân để quảng bá và giới thiệu sáng tác mới. Có những sáng tác văn học nghệ thuật được người đọc chú ý. Khoảng cách giữa người viết và người đọc chưa bao giờ thu hẹp đến thế. Tuy nhiên, để đến với một tổ chức văn học nghệ thuật như Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương thì quả là rất ít người trẻ có ý tưởng tìm đến và gia nhập.

Hội viên Tổ chuyên ngành Văn học Hội VHNT Kon Tum đi thực tế sáng tác tại xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông). Ảnh: DL

 

Sáng tác văn học nghệ thuật là hành trình dài, nhiều thách thức, chỉ có lao động nghiêm túc mới đem lại cho người viết những giá trị bền vững. Nếu hôm qua bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng. Nếu hôm qua bạn chỉ cần đam mê thôi là đủ, thì hôm nay đam mê phải trở thành bản lĩnh; bởi, mùa quả ngọt nào cũng phải trả giá bằng nhiều mồ hôi và cả những nỗi gian truân. Vì vậy, việc phát hiện và phát triển hội viên trẻ vẫn là vấn đề cần quan tâm của toàn xã hội.

Dương Lê

Chuyên mục khác