Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG

19/03/2024 13:01

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Việc thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách nhất của đời sống nhân dân, được cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tổng vốn Trung ương phân bổ, giao kế hoạch đầu tư thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh ta 2.888,334 tỷ đồng (Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 1.741,871 tỷ đồng, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 637,726 tỷ đồng, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 508,737 tỷ đồng); ngân sách địa phương đối ứng thực hiện là 688,377 tỷ đồng. Việc giải ngân vốn các chương trình MTQG, tính đến ngày 31/1/2024, toàn tỉnh giải ngân 1.251,384 tỷ đồng.

Theo đó, đến nay, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 48/85 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới; Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở đạt 98,56%, tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất đạt 98,6%. Ở Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm  2023 có 6.258 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,19%. 

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở các địa phương trong tỉnh được hỗ trợ phát triển cây ăn quả. Ảnh: Đ.N

 

Kết quả thực hiện các chương trình MTQG cho thấy, tỉnh ta tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo người dân. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân được nâng cao, môi trường ngày càng được cải thiện, đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về xây dựng môi trường văn hóa phong phú lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật của người dân được nâng lên. Kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện; diện mạo nông nghiệp, nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng ổn định và nâng lên.

Tuy nhiên, qua thực hiện, tỉnh ta nhận thấy những tồn tại, hạn chế đó là tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách quản lý, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình MTQG của bộ, ngành Trung ương chưa đồng bộ, kịp thời, gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc triển khai các khâu phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, giải ngân vốn các chương trình. Bên cạnh đó, Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện các quy định liên quan đến các chương trình, một số quy định hoàn thiện và ban hành trong thời gian ngắn dẫn đến thiếu chặt chẽ, đầy đủ phải điều chỉnh, bổ sung khi cơ quan Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn mới.

Cùng với đó, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chậm, trong khi kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương đã được phân bổ hết, gây nhiều khó khăn trong cân đối xác định nguồn lực đối ứng. Khối lượng văn bản quản lý, điều hành thực hiện các chương trình quá lớn, trong khi đó đơn vị, địa phương các cấp phải vừa nghiên cứu tham mưu triển khai thực hiện các chương trình, vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn khác.

Nhiều hộ dân ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy được hỗ trợ nuôi heo sọc dưa để phát triển kinh tế. Ảnh: ĐN

 

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG, bên cạnh đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, tỉnh tiếp tục xác định phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân thực hiện; tăng cường phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan đơn vị cấp tỉnh và các địa phương; tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo các cấp để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nắm bắt, xử lý khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình MTQG theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội; thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, dàn trải.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác