Tiếp sức người dân trên hành trình trở về quê hương

09/10/2021 12:42

Những ngày qua, khi các tỉnh, thành phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, lượng người dân di chuyển bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về/qua địa bàn tỉnh ta rất đông. Trong thời gian này, nhiều việc làm ý nghĩa và hàng nghìn suất ăn, chai nước, phần quà… đã được thành phố Kon Tum, các lực lượng chức năng, tình nguyện viên gửi đến những người đang trên đường về quê ngang qua địa bàn tỉnh với tấm lòng sẻ chia khó khăn, ấm áp nghĩa tình.

Có mặt tại Chốt 1- Sao Mai (thành phố Kon Tum) chiều 8/10, chúng tôi kịp ghi lại được những khoảnh khắc, những hình ảnh đẹp về công tác hỗ trợ của các lực lượng làm nhiệm vụ tại đây đối với người dân đến/qua tỉnh.

Cảnh sát giao thông dẫn đường đưa người dân qua địa bàn tỉnh. Ảnh: TH

 

Người dân đến Chốt 1 - Sao Mai được lực lượng chức năng và tình nguyện viên hướng dẫn dừng, nghỉ đúng quy định. Ảnh: TH

 

Gần 16h, có khoảng 200 người đi xe máy đến Chốt 1- Sao Mai trong hành trình đi ngang tỉnh ta để về lại quê nhà họ. Ngay sau khi được lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai dẫn qua địa bàn, lực lượng cảnh sát giao thông của tỉnh ta kịp thời tiếp nhận, hướng dẫn người dân dừng chân nghỉ ngơi, đảm bảo an ninh trật tự và tránh ùn tắc giao thông. Trên gương mặt mỗi người dân lộ vẻ mệt mỏi khi phải vượt chặng đường dài hàng trăm cây số.

Tại đây, ngoài công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, người dân được lực lượng chức năng, tình nguyện viên cung cấp thức ăn, nước uống, tiếp thêm nhiên liệu. Những nghĩa cử, việc làm tuy nhỏ, nhưng phần nào giúp những người dân trở về quê vơi bớt mệt nhọc và làm ấm lòng họ trước nghĩa đồng bào đùm bọc sẻ chia trong hoàn cảnh khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhận xong hộp cơm và một số nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ để tiếp tục hành trình trở về quê, anh Lưu Văn Xoan (ở Quảng Thạch, Quảng Xương, Thanh Hóa) bày tỏ xúc động: 2 vợ chồng tôi vào Bình Dương làm công nhân nuôi 2 con và 1 cháu ngoại. Thế nhưng, 3 tháng nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhà máy dừng sản xuất, không có việc làm, không có thu nhập; cuộc sống gia đình tôi thực sự rất chật vật. Ngày 6/10, sau nhiều cân nhắc, vợ chồng tôi quyết định đưa các con và cháu về quê. Vẫn biết, việc tự di chuyển bằng xe máy như thế này rất nguy hiểm, nhưng với tôi đây là việc “chẳng đặng đừng”. May mắn là suốt dọc hành trình, chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ các địa phương nơi chúng tôi đi ngang qua. Khi đến Kon Tum, chúng tôi không chỉ được tặng đồ ăn, thức uống, xăng xe, các cô chú tình nguyện viên còn cho thêm tiền, sữa, quần áo ấm cho cháu ngoại tôi. Tôi thực sự rất cảm động và biết ơn các lực lượng chức năng. Những lúc như thế này chúng tôi thêm thấm thía nghĩa đồng bào.

 

Phát cơm, tặng áo ấm, tiếp nhiên liệu cho người dân. Ảnh: TH

 

Vừa tranh thủ bón cơm cho cô con gái hơn 1 tuổi, người mẹ trẻ Hồ Thị Mừng - đồng bào Vân Kiều (ở huyện Đăk Krông, tình Quảng Trị) vừa chia sẻ: Sau chặng đường dài chạy xe máy từ Bình Dương về đến Kon Tum, 3 mẹ con, bà cháu em đều thấm mệt. Thế nhưng, ngay khi dừng chân, em đã được các anh, chị tình nguyện viên quan tâm, hỏi thăm, phát cơm, sữa, áo ấm. Hơn nữa, các chiến sĩ công an giao thông còn sắp xếp đưa xe máy của em lên xe tải, còn gia đình em thì lên xe khách chở qua địa phận Kon Tum. Trong khoảng thời gian này, em có thể tranh thủ nghỉ ngơi để có sức tiếp tục chạy xe về nhà. Em rất xúc động và cảm ơn sự quan tâm của mọi người ở Kon Tum dành cho em cũng như tất cả mọi người, điều đó giúp cho chặng đường về quê bớt đi một phần nhọc nhằn.

Tất bật trong bộ quần áo bảo hộ, mồ hôi nhễ nhại, các đoàn viên thanh niên tình nguyện viên của Thành đoàn Kon Tum và Câu lạc bộ Máu nóng khu vực Kon Tum - Tây Nguyên khệ nệ xách theo cơm, bánh, sữa, xăng xe… len giữa đoàn người mời gọi: “Em có cơm nóng, ai cần nào”, “xăng đây, bà con đổ đầy bình rồi đi cho yên tâm”, “các bố, mẹ nhận sữa cho con này”, “có bánh ngọt, trái cây, nhà mình ai cần lấy mang theo”, “găng tay, thuốc nhỏ mắt sẵn đây, có ai cần không”… Rồi từng cánh tay vươn ra, nhận lấy những món đồ mình cần. Bao nhiêu người dân đến Chốt là bấy nhiêu phần quà và tình cảm được trao gửi.

Chị Đỗ Thị Hồng Hạnh- Bí thư Thành đoàn Kon Tum cho biết: Chúng em thay nhau trực ở đây 24/24 để sẵn sàng phục vụ khi người dân về tới Chốt. Mỗi ngày bình quân có từ 8-10 đoàn qua Chốt, việc phục vụ khá mệt, nhất là khi trời mưa. Thế nhưng, anh chị em làm nhiệm vụ ở đây đều rất vui và luôn động viên nhau cố gắng thật nhiều để hỗ trợ cho bà con mình trên chặng đường về quê.

Cơm, nước và những nhu yếu phẩm cần thiết cho hành trình về quê được các lực lượng chức năng chuẩn bị để hỗ trợ người dân. Ảnh: TH

 

Những chiếc xe không đủ an toàn hoặc người lái quá mệt được lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ vận chuyển qua địa bàn tỉnh. Ảnh: TH

 

Những người đi bộ về được hỗ trợ xe đưa qua địa bàn tỉnh. Ảnh: TH

 

Sau khoảng 30 phút nghỉ ngơi, ăn uống, những người già, trẻ em và phụ nữ có con nhỏ, phụ nữ mang thai, người đi bộ được sắp xếp lên xe chở khách đưa đến địa phận tỉnh Quảng Nam. Lực lượng chức năng cũng bố trí xe chuyên dụng chở những phương tiện cho những người không thể tự đi xe máy được; xe dẫn đường đưa đoàn xe ra khỏi địa phận tỉnh an toàn, bàn giao cho địa phương tiếp theo để giúp bà con di chuyển về quê.

Ông Nguyễn Thanh Mân – Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Chỉ trong 5 ngày (từ 3-8/10) đã có khoảng 16.000 người dân của tỉnh và các tỉnh phía Bắc, miền Trung về/qua Chốt 1- Sao Mai. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân về quê an toàn, thành phố kịp thời huy động nhân lực, vật lực tham gia điều tiết an toàn giao thông, trao các suất ăn miễn phí cùng các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con, đảm bảo không ai bị đói rét, có đủ sức khỏe để di chuyển về quê. Đối với các công dân về tỉnh ta, lực lượng chức năng tiến hành lấy thông tin dịch tễ, phân luồng đưa vào các khu cách ly tập trung theo quy định, đồng thời hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho người dân.

 Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của thành phố Kon Tum, các lực lượng chức năng cùng tình nguyện viên là nguồn động viên kịp thời, giúp cho chặng đường về nhà của người dân thêm “ngắn lại”. Điều này thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp chính quyền, người dân Kon Tum với đồng bào trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Thùy Hương

Chuyên mục khác