Tiếng cười trong mùa dịch

15/04/2020 06:05

Hân đã cười - tiếng cười hiếm hoi kể từ khi mất việc làm bởi dịch bệnh, khi tôi gọi điện báo tin vui là cô sẽ rất nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, vì tinh thần chỉ đạo của tỉnh là “thực hiện ngay trong tuần và không chờ hướng dẫn”.

Sáng 13/4, tỉnh có một hội nghị bàn về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có triển khai các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Trưa, đồng nghiệp nhắn tin: “Tinh thần là triển khai nhanh nhất, chủ động nhất, không cần chờ hướng dẫn, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ”.

Ngay lập tức, tôi gọi điện thoại báo tin vui ấy cho Hân - cô công nhân bị mất việc làm ở xưởng sản xuất bàn ghế xuất khẩu mà tôi quen khi đi thực tế tìm tư liệu viết bài về đời sống người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19. Cô đã cười, tiếng cười hiếm hoi kể từ khi 2 vợ chồng cô mất việc làm vì dịch bệnh.

Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những vết vạch chi chít trên bức tường đã bong tróc gần hết lớp vữa ở căn phòng trọ lụp xụp. Hôm ấy Hân cười buồn: “Em đánh dấu mốc thời gian bị thất nghiệp đấy. Mỗi vạch là một ngày”. Tôi chẳng biết nói gì để an ủi, ngoài mấy câu đùa nhạt nhẽo. Tìm cách dúi cho 2 con nhỏ của vợ chồng Hân ít tiền còn lại trong túi rồi lặng lẽ ra về.

Nhiều doanh nghiệp...

 

Chắc chắn Hân không biết, nhưng tôi nắm rất rõ, qua rà soát sơ bộ, toàn tỉnh có 3.980 lao động của 105 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng làm việc; 5.880 hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động và 162.802 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động tự do không có hợp đồng lao động mất việc hoặc không có việc làm.

Nghĩa là từng ấy người như Hân đang phải chịu tổn thương bởi dịch bệnh. Và trên cả nước là khoảng 20 triệu người, tức hơn 20% dân số cần được giúp đỡ để vượt qua đại dịch.

Tôi vẫn nhớ, khi tôi thông tin cho cô rằng Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói an sinh xã hội “ngay và luôn” trị giá 62.000 tỷ đồng, cô đã bần thần mà hỏi tôi: Bao giờ thì được nhận hả anh?

Tôi im lặng, bởi ngay cả tôi cũng không thể biết được khi nào thì cô (và những người như cô) được nhận hỗ trợ. Vì thông thường, với “cách thức” triển khai quen thuộc lâu nay, để hành trình để tiền, từ chính sách, đến được tay đối tượng thụ hưởng khá dài, với đủ các loại thông tư, hướng dẫn.

Thế nhưng chỉ mấy ngày sau, sáng 13/4, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ một cách chủ động, nhanh nhất và hiệu quả nhất để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

“Người dân nghèo, khó khăn đang mong chờ sự hỗ trợ, nên triển khai ngay chính sách an sinh này không cần chờ hướng dẫn. Chủ động chi trả cho những đối tượng thụ hưởng rõ ràng, cụ thể ngay trong tuần này; tận dụng tối đa công nghệ thông tin vào giải quyết chế độ cho người dân, đối tượng nào không thể nhận chi trả chế độ qua dịch vụ Bưu điện thì cử cán bộ đến chi trả tận nhà. Đây là một nghị quyết hết sức nhân văn, trách nhiệm của Chính phủ đối với người dân, vì vậy phải làm nhanh nhất, hiệu quả nhất”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện chi trả kịp thời đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ chế độ, đúng đối tượng; xây dựng cơ chế giám sát việc chi trả chặt chẽ, hiệu quả; nếu để xảy ra tình trạng chậm chi trả hoặc lợi dụng để trục lợi chính sách thì người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Nếu như nói “gói hỗ trợ an sinh xã hội” theo Nghị quyết 42/NQ-CP là khác biệt so với những gói hỗ trợ mà trước đó Chính phủ đã thực hiện thì tinh thần chỉ đạo quyết liệt, thần tốc ấy cũng là chưa từng có tiền lệ.

... và người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh đang chờ đợi gói hỗ trợ từ Nghị quyết 42 của Chính phủ. Ảnh: LH

 

Tất cả đều “vì cuộc sống người dân”!

Cần phải khẳng định rằng, đây là Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và có xu hướng kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Vì vậy, gói hỗ trợ đang nhận được sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của người dân cả nước nói chung, người dân Kon Tum nói riêng, cần được ưu tiên triển khai trực tiếp và càng sớm càng tốt, vì người dân không thể chờ đợi lâu hơn.

Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành, tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất rõ, vấn đề mang ý nghĩa quyết định là khâu triển khai của các cấp, các ngành phải đảm bảo sự công tâm, công bằng, với quyết tâm hỗ trợ, cùng người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

Muốn vậy, các ngành, các địa phương cần kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện; thống kê, tổng hợp công khai minh bạch; đặc biệt là phải tổng hợp đúng đối tượng, tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót; nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội.

Điểm đặc biệt ở đây là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Đây là nhóm rất khó xác định, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi, gần gũi dân cư để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng bảo đảm sự công bằng xã hội.

Khi rà soát các đối tượng thụ hưởng, điều quan trọng là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính đến mức tối đa, bởi người dân đang cần lo cho cuộc sống ngay trước mắt, không thể chờ đợi lâu hơn. Cùng với đó, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Những việc này cũng cần quy rõ trách nhiệm của từng cấp, nhất là chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn, người đứng đầu công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Sẽ có những đánh giá cụ thể về hiệu quả của gói hỗ trợ “chưa có tiền lệ” ấy. Nhưng đó là chuyện của sau này, còn hiện tại, cũng như triệu triệu người dân Việt Nam khác, tôi tự hào vì Chính phủ đã và đang kiên định mục tiêu “không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy tính mạng, sự an toàn của người dân”.

Khi viết bài này, tôi nghĩ về bếp lửa reo vui trong mỗi gian bếp nghèo và tiếng cười ở mỗi bữa cơm đơn sơ mà ấm cúng. Tất cả bắt đầu từ một Nghị quyết thể hiện tính nhân văn, tương thân tương ái, thiết thực của Nhà nước Việt Nam, từ tinh thần “không để người dân chờ lâu hơn nữa” của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Và tôi thật sự tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự triển khai của các cấp, các ngành với tinh thần “nhanh nhất, đúng nhất, đủ nhất”, cuộc sống của hàng trăm ngàn người sẽ có những âm thanh cười vui thay vì toàn tiếng thở dài.

Thành Hưng

Chuyên mục khác