Tiện lợi từ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý

24/02/2017 13:59

​Tiết kiệm thời gian, nhanh chóng và thuận lợi trong công tác quản lý và điều hành - đó là những tiện ích trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân...

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, ban hành các chủ trương, chính sách nhằm bổ sung, hoàn thiện các hành lang pháp lý góp phần quan trọng thúc đẩy công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói riêng, cũng như hoạt động phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nói chung.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành chú trọng cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến, thông tin liên quan đến lĩnh vực đầu tư trên trang thông tin, cổng thông tin điện tử của đơn vị mình; đồng thời mở rộng triển khai thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử....

Hầu hết các cuộc họp giữa tỉnh và huyện đều được họp trực tuyến. Ảnh: P.N

 

Đặc biệt, tháng 10/2016, tỉnh đã chính thức khai trương dịch vụ công mức độ 3 và cung cấp 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 bao gồm: Cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu xe tuyến cố định, cấp giấy phép liên vận Việt Nam - Lào - Campuchia cho xe phi thương mại, cấp chứng chỉ hành nghề dược, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề y tế tư nhân, cấp giấy chứng nhận kinh doanh thuốc, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cấp giấy phép các hoạt động sử dụng vỉa hè, lòng đường, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Việc đưa phần mềm này vào hoạt động nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho công dân, doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí, thời gian và hồ sơ, giấy tờ khi giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin và gửi hồ sơ đăng ký giải quyết thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi.

Cũng trong tháng 10/2016, lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về Viễn thông và Công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020. Chương trình hợp tác với mục tiêu bảo đảm cơ sở hạ tầng mạng thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả các cơ quan nhà nước, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Vì vậy, đến nay, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã được trang bị với 30/30 đơn vị có hệ thống mạng nội bộ (LAN), trung bình mỗi đơn vị có từ 1-2 máy chủ (server). Tất cả hệ thống mạng nội bộ đều kết nối Internet với băng thông rộng.

Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện của tỉnh trang bị đã đưa vào hoạt động vào cuối năm 2011 đến nay đã phục vụ có hiệu quả các cuộc họp giao ban giữa tỉnh và các huyện với các điểm cầu, phục vụ kịp thời việc chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đến các huyện, thành phố.

Đến nay, có trên 80% văn bản đến, đi của cơ quan hành chính được xử lý qua phần mềm. Tại một số đơn vị, hệ thống phần mềm văn phòng điện tử và điều hành (eOffice) đã liên thông 3 cấp từ cấp huyện, cấp tỉnh đến trung ương.

Đặc biệt, theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2016 tỷ lệ số thu thực hiện bằng phương thức điện tử trên tổng số thu đạt 70,05%. Đặc biệt, hiện đã có 1.197 doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử và kết nối thành công với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, trong đó, có 606 doanh nghiệp triển khai nộp thuế điện tử (chiếm 51% số doanh nghiệp đã đăng ký) với tổng số tiền nộp thuế gần 420 tỷ đồng; tỷ lệ người nộp thuế thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử được duy trì trên 95% và tỷ lệ các đơn vị sử dụng hộp thư điện tử công vụ đạt khoảng 63%...

Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin qua thư điện tử, phần mềm văn phòng điện tử eOffice, hệ thống giao ban trực tuyến, các ứng dụng chuyên ngành khác… trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác