02/06/2018 07:22
Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, năm vừa qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai báo 11 vụ tai nạn lao động có 15 người bị nạn, so với năm 2016 tăng 7 vụ. Trong đó, 9/11 vụ tai nạn lao động làm chết 9 người; 1 vụ tai nạn lao động có 2 người bị thương nặng trở lên.
|
Cũng theo đánh giá của ngành LĐ-TB&XH tỉnh, tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ) diễn ra thời gian qua chủ yếu trên các công trường xây dựng, khai thác khoáng sản, các cơ sở sản xuất chế biến hàng hóa nông sản, cơ khí, kỹ thuật công nghiệp… Đáng chú ý, các doanh nghiệp có sự cố tai nạn lao động tập trung ở khu vực tư nhân, hộ cá thể.
Quá trình ghi nhận, kiểm tra lại quy trình để xảy ra tai nạn ở các doanh nghiệp, phần lớn chưa thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động như: chưa có cán bộ phụ trách công tác an toàn lao động và người lao động chưa được tập huấn, cấp chứng nhận liên quan; việc tuyên truyền, tổ chức phổ biến pháp luật an toàn, vệ sinh lao động chưa được thực hiện; việc cấp bảo hộ, trang bị lao động không có, hoặc thiếu theo ngành, lĩnh vực công việc liên quan.
Thậm chí, có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh khi xảy ra tai nạn lao động, nhưng lãnh đạo đơn vị còn che giấu hành vi vi phạm pháp luật lao động, không khai báo, phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng, kể cả tai nạn dẫn đến chết người.
Mới đây, ngày 15/5, Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì phối hợp với một số sở, ngành tỉnh kiểm tra tại Chi nhánh Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên (nằm trên địa bàn xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi). Dù được ngành chức năng thông báo sẽ tiến hành kiểm tra trước đó cả tuần, nhưng qua kiểm tra ở đơn vị này có 91 lao động chưa được tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động từ năm 2013 đến nay.
Tại thời điểm kiểm tra, các thiết bị máy móc của đơn vị tạm ngưng hoạt động, không có người trực tiếp làm việc. Ông Trần Vĩnh Quốc - Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên cho biết, mùa này không có nguyên liệu (củ mì) để chế biến tinh bột, nên các lao động được cho nghỉ.
Ông Quốc giải thích thêm, hàng năm, người lao động đều được trang bị phương tiện, đồ bảo hộ đảm bảo trong quá trình lao động. Đối với người lao động làm việc trực tiếp môi trường độc hại, có hỗ trợ thêm hiện vật 20 ngàn đồng/người/ngày (theo ca làm việc) nhằm bồi dưỡng, khôi phục sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác đã giao. Tuy nhiên, công tác tập huấn, tuyên truyền cho lao động về an toàn, vệ sinh lao động chưa thực hiện được, với lý do số lượng người làm đông, phải trực ca đêm thường xuyên bận rộn trong năm…
Từ thực tế kiểm tra, ông Trần Văn Thiện - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trưởng đoàn kiểm tra đã yêu cầu Ban giám đốc Chi nhánh sớm khắc phục một số vấn đề chưa triển khai thực hiện đúng. Cụ thể, đơn vị phải nghiêm túc xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động gắn với kế hoạch kinh doanh sản xuất; phân công, lập danh sách cụ thể từng đối tượng người làm gián tiếp, trực tiếp ở khu vực sản xuất để tiện theo dõi, điều tra các vụ tai nạn xảy ra theo định kỳ báo cáo về ngành chức năng. Đơn vị cũng phải bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo hộ lao động, đưa người lao động tham gia tập huấn, tuyên truyền về luật lao động và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động...
|
Theo ông Thiện, những nội dung kết luận của buổi làm việc sẽ được ngành LĐ-TB&XH chuyển bằng văn bản cho doanh nghiệp khắc phục hạn chế trên, sau thời gian quy định, các ngành chức năng sẽ kiểm tra, xử lý nếu cố tình vi phạm.
Chia sẻ với phóng viên, ông A Kang - Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho rằng, hiện nay, đội ngũ cán bộ nhân viên thực hiện công tác thanh tra an toàn vệ sinh lao động của ngành vẫn còn mỏng, thiếu. Trong khi đó, toàn tỉnh có tới hơn 2,5 ngàn doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, công ty cổ phần, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang hoạt động. Ý thức của người sử dụng lao động chưa cao, họ luôn đặt năng suất lên trên hết. Có những đơn vị có chứng chỉ tập huấn đảm bảo an toàn lao động, nhưng khi Sở LĐ-TB-XH kiểm tra trực tiếp lao động thì thiếu kỹ năng, không biết các thao tác xử lý tình huống cơ bản khi có tình huống mất an toàn trong lao động xảy ra. Hơn nữa, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định phân cấp, đối với ngành chức năng, các hội đoàn, địa phương đều phải vào cuộc vì người lao động. Tuy nhiên, thời gian qua công tác phối hợp tuyên truyền, thanh kiểm tra phần lớn do sở ngành chuyên môn tỉnh thực hiện.
“Sắp tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu tỉnh chỉ đạo các ngành dọc, 10 huyện, thành phố chung tay thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng, triển khai thực tế chương trình hành động để phòng ngừa, tai nạn lao động, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc, hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra và phải có kiểm soát, báo cáo theo quy định về điều tra tai nạn theo định kỳ đã quy định” - ông A Kang cho biết.
Mai Trâm