Tích cực luân chuyển sách để phát triển văn hóa đọc

02/12/2024 13:05

Thời gian qua, Bảo tàng- Thư viện tỉnh thực hiện hiệu quả việc luân chuyển sách về cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, bổ sung nguồn tư liệu cho các thư viện, tủ sách tại cơ sở thêm dồi dào, phong phú, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của người dân ở tại các địa phương; đồng thời, khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Toàn tỉnh có 1 thư viện cấp tỉnh, 7 thư viện cấp huyện, hơn 50 thư viện cấp xã và một số phòng đọc sách cơ sở phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, tại nhiều đơn vị, trường học còn phát triển hiệu quả các thư viện, tủ sách cơ sở, giúp khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh, cán bộ, công chức, người lao động.

Xác định hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở là những “cánh tay nối dài” trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc, thời gian qua, Bảo tàng- Thư viện tỉnh xây dựng kho sách lưu động và thường xuyên luân chuyển, bổ sung về cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của người dân.

Luân chuyển sách về các trường học hiệu quả qua Chuyến xe thư viện lưu động. Ảnh: H.T

 

Chỉ tính riêng, từ đầu năm 2024 đến nay, Bảo tàng- Thư viện tỉnh đã bổ sung cho cơ sở 2.450 cuốn sách, 8 loại báo, tạp chí để xây dựng 10 tủ sách cơ sở tại các xã vùng sâu, vùng xa; luân chuyển 16.850 cuốn sách đi cơ sở; phục vụ gần 183.000 lượt bạn đọc, tăng gần 22% so với năm 2023; phục vụ trên 263.000 lượt tài liệu, tăng gần 15% so với năm 2023. Trong đó, tính riêng phục vụ tại các cơ sở, đơn vị qua các hoạt động luân chuyển, các chương trình ngoại khóa, chuyến xe thư viện lưu động đạt trên 173.500 lượt bạn đọc và trên 232.000 lượt tài liệu.

Bên cạnh việc luân chuyển sách hiệu quả, Bảo tàng- Thư viện tỉnh tổ chức rất nhiều hoạt động, mô hình nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là tại các địa bàn vùng khó, vùng xa. Có thể kể đến các hoạt động như chuyến xe ô tô thư viện lưu động; luân chuyển sách về vùng biên giới, các đồn Biên phòng; những “Giờ đọc hạnh phúc” ý nghĩa được tổ chức tại các trường học, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bảo tàng- Thư viện tỉnh tổ chức 55 chuyến xe ô tô thư viện lưu động tại các trường học, phục vụ 25.796 lượt bạn đọc và 29.612 lượt tài liệu; 10 giờ đọc hạnh phúc tại các đơn vị, 67 tiết đọc sách và 4 buổi ngoại khoá, tham quan thư viện cho các cấp học. 

Huyện Ngọc Hồi là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả việc xây dựng tủ sách, thư viện cơ sở, phối hợp luân chuyển sách hiệu quả. Địa phương này duy trì hiệu quả mô hình Thư viện lưu động với gần 1.500 đầu sách các loại, thường xuyên phối hợp với các trường học để đưa sách lưu động phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh và giáo viên, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Em Nguyễn Văn Dũng- học sinh lớp 8C, Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền, xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) bộc bạch: Em rất thích những hoạt động ngoại khóa, tiết đọc sách và những chuyến xe thư viện lưu động được tổ chức tại trường. Những lần như vậy, em biết thêm nhiều cuốn sách mới và được các thầy, cô hướng dẫn đọc sách hiệu quả.

Giao lưu và tặng sách cho cán bộ, chiến sĩ tại Đại đội 187 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy). Ảnh: HT

 

Đặc biệt, những ngày đầu tháng 11/2024, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Bảo tàng- Thư viện tỉnh chủ trì, phối hợp với Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy tổ chức giao lưu, tuyên truyền về sách; tặng 145 cuốn sách cho Đại đội 187 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy). Buổi giao lưu diễn ra trong không khí sôi nổi, phấn khởi với nhiều nội dung ý nghĩa, giúp lan tỏa niềm yêu đọc sách cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị.

Anh Trần Minh Ngoại - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy chia sẻ: Hàng năm, nhờ những hoạt động giao lưu, tuyên truyền, tặng sách của Bảo tàng- Thư viện tỉnh đã giúp các tủ sách tại đơn vị được bổ sung những đầu sách còn thiếu. Bên cạnh tủ sách Đại đội 187, tại Phòng Hồ Chí Minh của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy cũng được trang bị tủ sách pháp luật gồm đầy đủ sách ở các lĩnh vực, cung cấp nhiều thông tin bổ ích để cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tìm hiểu sau những giờ huấn luyện. Thông thường, các chiến sĩ có thể mượn đọc tại chỗ vào những giờ giải lao, ngày nghỉ, hoặc đăng ký mượn về đọc. Trong năm tùy điều kiện thực tế, lãnh đạo đơn vị còn tổ chức cho mọi người các hoạt động giao lưu về sách, đọc sách, bình sách và làm theo sách rất sôi nổi, ý nghĩa.

Bà Trần Thị Kim Phương- Phó Giám đốc Bảo tàng- Thư viện tỉnh cho biết: Để công tác luân chuyển sách về cơ sở được thuận lợi và phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Bảo tàng- Thư viện tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ sở để nắm bắt nhu cầu về sách, để có kế hoạch bổ sung, hỗ trợ luân chuyển phù hợp. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách với nhiều nội dung đa dạng, phong phú, tạo sự hấp dẫn, thu hút và hình thành thói quen đọc sách cho mọi người. Bên cạnh đó, hỗ trợ các đơn vị, địa phương phát triển hiệu quả mô hình thư viện lưu động, thư viện kết hợp với các địa phương cơ sở, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng để phục vụ nhu cầu đọc của người dân; hỗ trợ các cơ sở giáo dục phát triển hiệu quả các loại hình thư viện trong nhà trường kết hợp với hệ thống thư viện công cộng một cách hiệu quả.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác