Tích cực, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue

01/07/2020 13:12

Hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa mưa, đây cũng chính là thời điểm dịch sốt xuất huyết Dengue có nguy cơ bùng phát. Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, ngành Y tế, các địa phương trong tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp và kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Theo thống kê của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 152 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 54 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019 và đã có 8/10 huyện, thành phố có ca bệnh, trong đó, thành phố Kon Tum có 10 trường hợp, huyện Đăk Hà 74 trường hợp, Đăk Tô 39 trường hợp, Ngọc Hồi 13 trường hợp và Kon Rẫy 10 trường hợp…

Bác sĩ Phùng Mạnh Dũng– Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn và có thể gây thành dịch lớn. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với tuýp vi rút Dengue gây bệnh nhưng không được bảo vệ chéo với các tuýp vi rút Dengue khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với tuýp vi rút Dengue khác, bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc Dengue. Đến nay, bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, dịch bệnh sẽ lan rộng nếu chúng ta không quan tâm, xử lý triệt để ổ dịch và làm tốt công tác vệ sinh môi trường- diệt lăng quăng/bọ gậy.

Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết Dengue, không để dịch bệnh bùng phát, ngành Y tế tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế lây lan dịch bệnh. Theo đó, ngành Y tế phối hợp với các địa phương phát động các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút ZiKa, sốt xuất huyết Dengue. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao hiểu biết của người dân về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để nâng cao ý thức thực hành các biện pháp phòng, chống.

Bà con thôn Kon Trang Kla (xã Đăk La) ra quân diệt lăng quăng/bọ gậy. Ảnh: XB 

 

Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy tiếp tục được chú trọng với phương châm “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết” và xem đây là biện pháp cốt lõi, quyết định thành công và mang lại hiệu quả lâu dài trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Do đó, các cán bộ y tế cơ sở, nhân viên y tế thôn thường xuyên đến thăm hộ gia đình, vận động và cùng với người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy. Đồng thời, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết Dengue để đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, trong đó, chú trọng công tác giám sát và xử lý các ổ dịch được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở đánh giá các khu vực nguy cơ cao, Trung tâm y tế các địa phương tổ chức phun hóa chất, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, điều trị, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Để đảm bảo hiệu quả trong công tác điều trị cho người dân mắc sốt xuất huyết Dengue, đến nay, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ y tế để nắm vững các phương pháp giám sát, biện pháp phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán điều trị các bệnh dịch. Từ đó, chủ động phát hiện dịch bệnh và triển khai được ngay các biện pháp phòng chống theo quy định. Các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh, huyện đến các trạm y tế chủ động dự trữ, bảo đảm đáp ứng sẵn sàng, đầy đủ về cơ sở thu dung, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu... theo chức năng, nhiệm vụ cho công tác chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue và tập trung mọi nguồn lực điều trị các ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo, nặng, nguy cơ tử vong.

Để công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue thực sự hiệu quả, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay tại gia đình mình. Cần chú ý thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường; tích cực diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy tại nhà và khu dân cư sinh sống, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, ống bơ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Ngủ trong màn (kể cả ban ngày) và sử dụng các dung dịch đuổi muỗi để hạn chế muỗi đốt và khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết Dengue cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị đúng cách. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch bệnh.Việc chủ động thực hiện phòng, chống là giải pháp quan trọng để ứng phó với dịch bệnh và để làm được điều này cần sự chung tay của cả cộng đồng.           

NGỌC THẮNG

Chuyên mục khác