Thuế bảo vệ môi trường và những bất cập từ thực tiễn

27/05/2018 17:58

​Trong những năm gần đây, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển đô thị đã gây nên những ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Lượng chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp nhiều lên một cách đột biến. Mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, nước và trong không khí.

Có thể thấy, hiện trạng môi trường xuống cấp đã, đang và sẽ là thách thức to lớn đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước. Nhận thức được điều này, Chính phủ đã ban hành và thực thi các biện pháp mang tính chiến lược và thời đoạn nhằm giải quyết nhiệm vụ bảo vệ môi trường, song song với mục tiêu phát triển kinh tế. Trong đó, hệ thống các quy định pháp luật được xem là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước nhằm quản lý xã hội một cách hiệu quả trên lĩnh vực môi trường - trong đó có nội dung quan trọng về chính sách thuế bảo vệ môi trường.

Ở nước ta, Luật Thuế bảo vệ môi trường được ban hành từ năm 2010, vừa đáp ứng nhu cầu phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, vừa tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định; điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường, khắc phục hạn chế trong các chính sách thu trước đây, tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường và bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững.

Thực trạng áp dụng thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, khái niệm thuế môi trường được hiểu là "loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hoá khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường" ​

Cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường ở nước ta, đó là Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, trong đó quy định đối tượng chịu thuế gồm 8 nhóm: Xăng, dầu, mỡ, nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông; thuốc diệt cỏ (loại hạn chế sử dụng); thuốc trừ mối (hạn chế sử dụng); thuốc bảo quản lâm sản (hạn chế sử dụng); thuốc khử trùng kho (hạn chế sử dụng).

Cùng với Luật Thuế bảo vệ môi trường là các văn bản hướng dẫn thi hành gồm nghị định và thông tư của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhà nước sử dụng công cụ thuế và phí, trực tiếp tác động vào mặt kinh tế, nhằm mang lại hiệu quả cao trong quản lý và bảo vệ môi trường.

Thuế bảo vệ môi trường được coi là một trong những công cụ kinh tế mang lại hiệu quả cao trong quản lý và bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm thì phải nộp thuế.  

Phí môi trường được tính dựa vào lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu gây ô nhiễm, tổng doanh thu hoặc tổng sản lượng hàng hóa, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trước khi có thuế bảo vệ môi trường, giá bán hàng hóa, dịch vụ chưa bao gồm đầy đủ chi phí xã hội, dễ dàng tạo kẽ hở để các cá nhân và doanh nghiệp trục lợi. Với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải chi trả”, thuế bảo vệ môi trường buộc các chủ thể gây ô nhiễm và các liên đới phải chịu trách nhiệm về chi phí do hoạt động gây ô nhiễm của họ bằng cách đưa chi phí ngoại ứng vào giá. Thuế bảo vệ môi trường làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu lợi nhuận, buộc doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức đối với môi trường, góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thay thế hoặc hạn chế tiêu dùng một số sản phẩm nhất định.

Ngoài thuế bảo vệ môi trường, tùy vào các mục đích khác nhau mà Nhà nước sẽ kết hợp với các loại thuế khác nhau nhằm đạt được mục đích cao nhất trong việc bảo vệ môi trường. Ví dụ, để hạn chế một số hoạt động kinh doanh sản xuất ảnh hưởng lớn đến môi trường, Nhà nước có thể áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao nhằm hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các loại hàng hóa này. Hoặc Chính phủ thể hiện vai trò điều tiết của mình bằng công cụ thuế thu nhập doanh nghiệp. Thông qua những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ môi trường bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại nhằm giảm thiểu các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tài chính trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Một công cụ điều chỉnh quan trọng khác là thuế tài nguyên, nhắm đến đối tượng là các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản. Các hoạt động như khai thác khoáng sản, kim loại và không kim loại, dầu mỏ, khí đốt, sản phẩm của rừng tự nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên khác đều bị xem xét đánh thuế nhằm hạn chế các tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác và sử dụng. Đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước cũng như điều hoà quyền lợi của các tầng lớp dân cư về việc sử dụng tài nguyên.

Dù cho thuế và phí là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 95% tổng nguồn thu, nhưng các khoản thuế và phí liên quan đến bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng không nhiều. Phí có tỷ trọng cao nhất là phí xăng dầu. Việc đánh thuế vào các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường giúp giảm đi những hành vi không tốt đối với môi trường, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội.

Những tồn tại và bất cập trong chính sách thuế bảo vệ môi trường

Trên thế giới hiện nay chủ yếu chia làm 2 xu hướng, hoặc là không can thiệp vào, hoặc là tác động bằng các chính sách cụ thể như: Đánh thuế, trợ cấp hay đưa ra các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Tại Việt Nam, vấn đề đối phó với ô nhiễm môi trường bằng những quy định pháp luật lại là vấn đề mới và vẫn còn nhiều bất cập.

Phải kể đến trước hết, đó là quy định về bảo vệ môi trường trong các văn bản quy phạm pháp luật còn khá chung chung, đặc biệt là trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác rất mờ nhạt, khó thực hiện. Bên cạnh đó, sự trùng lặp, chồng chéo và mâu thuẫn trong xây dựng pháp luật khiến cho quá trình áp dụng gặp nhiều khó khăn.

Các văn bản về bảo vệ môi trường liên quan đến từng thành phần môi trường như đất, nước, khoáng sản, không khí, rừng,… hay điều chỉnh những hoạt động của con người lên môi trường được ban hành chưa đồng bộ, còn chậm cả về mặt thời gian lẫn nội dung của các quy định.

 Luật Thuế bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 nêu ra 8 nhóm đối tượng phải chịu thuế môi trường. Trên thực tế, có nhiều sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa đưa vào diện điều chỉnh của Luật Thuế Bảo vệ môi trường, ví dụ như khí thải công nghiệp, thuốc lá, chất thải phóng xạ… Có thể thấy, lần đầu tiên Luật Thuế bảo vệ môi trường được áp dụng tại Việt Nam nên những nhà soạn thảo đã lựa chọn những nhóm dễ nhận biết nhất để có biện pháp quản lý rõ ràng, minh bạch. Chính vì vậy, trong danh mục đối tượng chịu thuế còn bỏ ngỏ một số những chất gây độc hại đến như: các loại hóa chất (gồm cả axit vô cơ, xút, hóa chất bảo vệ thực vật, dung môi hữu cơ, thủy ngân,...); đồ điện tử (phát sinh chất thải điện tử); cao su (săm, lốp,..); polime,...

Việc đánh thuế ô nhiễm tại nước ta vẫn chưa bao phủ được các đối tượng gây ô nhiễm, mức thuế áp đặt chưa được nghiên cứu theo hướng hiệu quả đề xuất trong khi vẫn còn tình trạng áp thuế theo áp lực ngân sách.

Ngoài ra, các bộ ngành cũng chưa hỗ trợ trong nghiên cứu và triển khai các chính sách hạn chế ô nhiễm trong lĩnh vực chuyên ngành; nhiều quy định còn mang nặng tính hành chính trong khi các quy định mang tính kỹ thuật không nhiều và tiêu chuẩn của nước ta còn thấp hơn so với nhiều nước khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về tình hình thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần. Thực tế, mức trần thu thuế bảo vệ môi trường tăng mạnh, nhưng tỷ lệ chi thực tế cho mục đích này ngày càng giảm trong 5 năm qua.

Điển hình là mới đây theo dự thảo mới nhất Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất tăng loạt thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng trong đó có xăng, dầu... Cụ thể, từ 1/7/2018 thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng một lít từ 3.000 lên 4.000 đồng một lít, nhằm đảm bảo tính ổn định của chính sách, phù hợp với lộ trình thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết quốc tế. Đồng thời phù hợp với mức thu của các nước xung quanh, tránh nạn buôn lậu xăng dầu.

Ngoài xăng, Bộ Tài chính còn đề xuất tăng thuế môi trường với mặt hàng dầu diesel thêm 500 đồng một lít; dầu madút, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay.

Tuy nhiên việc áp mức thuế này sẽ đẩy giá xăng dầu ở Việt Nam tăng cao trong khi thu nhập bình quân của người dân ở nước ta vẫn còn khá thấp, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế (VCCI) đã đưa ra quan điểm "không thể lấy cớ bù hụt thu ngân sách bằng cách nâng khung thuế với xăng, dầu".

Vì thế đề xuất này đã gặp rất nhiều ý kiến trái chiều của cả người dân và các chuyên gia về lĩnh vực kinh tế.

Một bất cập nữa của Luật Thuế bảo vệ môi trường chính là mức thuế bảo vệ môi trường. Khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa áp dụng cho một loại hàng hóa là tương đối lớn, dẫn tới khả năng việc áp dụng sẽ không thống nhất đối với các doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng nhưng tại các địa phương khác nhau. Điều đó dẫn đến một số trường hợp đối tượng đáng lí phải chịu thuế lại không bị đánh thuế, trong khi thực chất đối tượng không chịu thế lại bị đánh thuế khá nặng. Vì vậy, mặc dù đã có những quy định hướng dẫn về vấn đề biểu thuế này nhưng dường như nó chưa giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc, và ngay cả những người trực tiếp áp dụng hay giám sát việc áp dụng của loại thuế này cũng không tránh khỏi lúng túng.

Mặt khác, pháp luật vẫn chưa đảm bảo cơ chế phù hợp để huy động sự tham gia, đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, Nhà nước vẫn chưa có biện pháp xử lý thích hợp đối với người có hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì lẽ đó mà hiện nay việc bảo vệ môi trường dường như chỉ là việc của các cơ quan quản lý chứ chưa thực sự trở thành “sự nghiệp của toàn dân”.

Thu Trang

 

Chuyên mục khác