15/10/2020 13:01
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2019, tại tỉnh Kon Tum, bình quân mỗi năm dân số tăng trên 11.000 người. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm gần 56%. Bình quân hàng năm, số lao động đến tuổi bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh trên 6.000 người. Trong đó, lực lượng lao động thuộc khu vực nông thôn chiếm trên 2/3 và có gần một nửa dân số nữ từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động.
Theo Cục Thống kê tỉnh, tính đến ngày 01/4/2019, tỉnh Kon Tum có 301.302 người từ 15 tuổi trở lên trong độ tuổi lao động, chiếm 55,8% tổng dân số toàn tỉnh. Trong tổng số lực lượng lao động trên toàn tỉnh, lực lượng lao động nữ chiếm 48,2%, thấp hơn năm 2009 (năm 2009 chiếm 48,4%); lực lượng lao động của khu vực nông thôn chiếm 68,2%, cao hơn năm 2009 (năm 2009 chiếm 66,9%).
Xét về cơ cấu, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh phần lớn là trẻ, dân số từ 15 tuổi trở lên có xu hướng tham gia vào thị trường lao động muộn hơn so với năm 2009. Đáng chú ý, tỷ trọng dân số từ 15-24 tuổi tham gia lực lượng lao động năm 2019 chiếm 19,9%, thấp hơn so với năm 2009 (26,5%).
Các thành tựu về kinh tế cùng với các yêu cầu cao hơn của thị trường về chất lượng nguồn lao động trong những năm gần đây dẫn đến việc dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia thị trường lao động muộn để kéo dài thời gian học tập, chuẩn bị tốt các kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu thị trường hơn trước khi tham gia vào thị trường lao động.
|
Trong đó, khu vực thành thị có điều kiện kinh tế phát triển hơn nên việc tham gia vào lực lượng lao động muộn hơn (đặc biệt là nhóm từ 15-19 tuổi) và rời khỏi thị trường lao động sớm hơn so với người lao động ở khu vực nông thôn. Lực lượng lao động của nhóm 15-19 tuổi khu vực thành thị chiếm 3,5% và nông thôn là 9,7%; nhóm từ 60 tuổi trở lên của khu vực thành thị là 5,5% và nông thôn là 6,1%. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tiếp tục tham gia thị trường lao động cao hơn so với năm 2009 (5,9% so với 5,2%).
Chất lượng nguồn lao động có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo tăng 4,5 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2019 là 17,6% và năm 2009 là 13,1%). Trong đó, lực lượng lao động đang làm việc qua đào tạo có trình độ đại học và trên đại học tăng lên đáng kể, tăng gần gấp đôi so với năm 2009 (năm 2019 là 9,4% và năm 2009 là 5%).
Qua kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉnh Kon Tum có 5.498 người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp năm 2019 là 1,82%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với năm 2009. Trong đó, khu vực nông thôn có 3.976 người thất nghiệp, chiếm 72,3%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn là 1,94%, tăng 0,38 điểm phần trăm so với năm 2009. Số lao động nam có 2.810 người thất nghiệp, chiếm 51,1%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động nam là 1,80%, tăng 0,23 điểm phần trăm so với năm 2009.
Phần lớn người thất nghiệp trên địa bàn tỉnh có độ tuổi từ 15-54 tuổi, chiếm 92,7% trong tổng số người thất nghiệp (nam giới: 92,9% và nữ giới: 92,6%). Trong đó, lực lượng thanh niên (độ tuổi từ 15-24) chiếm hơn một nửa số lao động thất nghiệp của tỉnh (53,4%). Đây là lực lượng chiếm tỷ trọng cao trong quy mô dân số của tỉnh, chiếm gần 1/4 (24,9%) dân số từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh, và cũng là lực lượng có tỷ lệ lao động thất nghiệp cao. Lao động trong độ tuổi thanh niên được xem là một trong những nhóm lao động dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các biến động trên thị trường lao động; cho nên, thất nghiệp thanh niên luôn được xem là vấn đề quan tâm của xã hội.
Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn và lao động nam giới có xu hướng tăng trong giai đoạn 2009-2019. Nguyên nhân là do khi thị trường lao động phát triển, đòi hỏi chất lượng lao động cao. Bên cạnh đó, lao động chưa qua đào tạo về nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ thuật hoặc có tay nghề thấp nên khó có cơ hội tìm việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh ta ở mức thấp so với các tỉnh, thành trên cả nước, có xu hướng ngày càng giảm nhưng còn chậm. Điều đó cho thấy, Kon Tum là tỉnh có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, lao động có việc làm nông nghiệp và phi chính thức lại khá cao, cho nên tỷ lệ lao động có việc làm trong các ngành và lĩnh vực này khá lớn. Tuy nhiên, thị trường lao động của tỉnh thiếu ổn định, việc làm chưa đầy đủ và thiếu bền vững, vì vậy vẫn xảy ra tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm.
Ông Phan Quốc Hùng - Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Thống kê tỉnh Kon Tum cho biết: Để tạo việc làm, tăng năng suất công việc cho người lao động, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện và liên tục, trong thời gian tới, tỉnh cần triển khai thực hiện tốt các mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp chính như: quan tâm giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, nhất là khu vực nông thôn; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi việc làm từ phi chính thức sang chính thức; đẩy nhanh tiến độ đô thị hoá và phát triển mạnh các khu công nghiệp, tăng cường mối quan hệ sản xuất giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ; nhất là khai thác mối liên kết với các vùng, miền, các tỉnh, thành phố lớn nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trong tỉnh.
Bên cạnh đó, cần đầu tư cho công tác dạy nghề; hoàn thiện hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; có chính sách khuyến khích, thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước về làm việc tại tỉnh...
Cao Cường