Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

25/12/2024 13:02

Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh ta rất quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp trong tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Chính vì vậy, nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu và thực hiện được nhiệm vụ đặt ra, góp phần tích cực đưa tỉnh từng bước phát triển đi lên.

Tuy nhiên, trên thực tế, các lợi thế, tiềm năng và các nguồn lực thế mạnh của tỉnh chưa được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả. Trong đó, tiềm năng về con người - nguồn nhân lực đang là “nút thắt”, rào cản lớn nhất đối với quá trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Hiện tại số lao động có việc làm khoảng 331 nghìn người, chiếm 56% dân số toàn tỉnh. Có tới 221 nghìn người lao động ở khu vực nông thôn chiếm 70%, lao động ở lĩnh vực dịch vụ chỉ chiếm hơn 20,5%, lao động trong công nghiệp, xây dựng chỉ chiếm 7%.

Như vậy lực lượng lao động của tỉnh chủ yếu ở khu vực nông thôn, trình độ học vấn hạn chế, lao động giản đơn, tay nghề kỹ thuật thấp, năng suất lao động không cao, thu nhập bình quân đầu người thấp nên đóng góp của bộ phận lao động này vào GRDP cho tỉnh không tương xứng. Thực trạng này cho thấy chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh chậm so với yêu cầu và chất lượng nguồn nhân lực đang là trở ngại lớn cho sự phát triển của tỉnh.

Đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: Hồng Lam

 

Về chất lượng nguồn nhân lực, trong những năm qua mặc dù tỉnh đã nỗ lực trong đào tạo nhằm cải thiện tỷ lệ lao động qua đào tạo, tuy nhiên do những khó khăn về trình độ học vấn, điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, lao động người DTTS đông nên số lao động được đào tạo chỉ tăng từ 50% năm 2019 lên 57,8% năm 2023 xếp thứ 4/5 các tỉnh Tây Nguyên; đối với nhóm lao động đang làm việc đã qua đào tạo tỷ lệ cũng tăng chậm và rất thấp từ 13,2% năm 2010 lên gần 18% năm 2022, trong đó nhóm qua đào đạo ở khu vực nông thôn vô cùng thấp chỉ chiếm 6%. Nhưng số lao động có việc làm chủ yếu tập trung ở loại hình kinh tế cá thể với 43,1% và kinh tế hộ gia đình với 26,32%; còn số lao động đang làm nghề có chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm 0,6%; lao động đang làm nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc trung chỉ chiếm 5,13%.

Nguồn nhân lực trong các cơ quan nhà nước có khoảng 1.939  cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện (98,8% có trình độ chuyên môn đại học trở lên; 95,1% có trình độ quản lý nhà nước từ chuyên viên trở lên) và 16.290 viên chức (79,4% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên), tuy nhiên số lao động này chủ yếu tập trung ở thành phố, thị trấn còn những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa thu hút được đội ngũ trí thức có chuyên môn giỏi đến làm việc. Trong khi đó số đang làm việc tại vùng khó khăn này về trình độ chuyên môn hầu hết là đào tạo tại chức, cử tuyển nên hạn chế về kinh nghiệm và năng lực chuyên môn. Nhìn chung tỉnh đang thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao; các nhà khoa học giỏi đầu ngành; các chuyên gia có kỹ năng, kinh nghiệm trong tham mưu hoạch định, định hướng về chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch. Ảnh: Hồng Lam

 

Từ thực trạng trên cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức lớn của tỉnh trên con đường phát triển. Do đó, trong thời gian tới để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển thì nhất định phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Muốn vậy, cần quan tâm thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tập trung tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt đối với lực lượng trong độ tuổi lao động phải giáo dục để họ hiểu được rằng, nếu không chịu khó học tập, rèn luyện để có trình độ chuyên môn, tay nghề kỹ thuật cao thì sẽ không có vị trí việc làm ở hiện tại cũng như tương lai và đồng nghĩa họ là lực lượng thất nghiệp, không có thu nhập ổn định, đời sống sẽ vô cùng khó khăn.

Thứ hai, tổ chức rà soát, thống kê, phân tích đánh giá nghiêm túc, khoa học thực trạng nguồn nhân lực hiện có; chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu, hạn chế, nguyên nhân của nguồn nhân lực trong tất cả các ngành, lĩnh vực từ đó xây dựng chiến lược trung và dài hạn với hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp có tính khả thi cao trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thu hút nhân tài, sử dụng, bố trí vị trí việc làm theo đúng quy định.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; chương trình liên kết đào tạo linh hoạt, sáng tạo và cùng với đó xây dựng cơ chế, khung chính sách phù hợp với đặc thù và nguồn lực của tỉnh. Thực hiện triệt để, hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp. Trong đó đặc biệt quan tâm đến học sinh người DTTS; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp đã đề ra giai đoạn 2020-2025; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác 3 bên Nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Thứ tư, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong triển khai thực hiện kế hoạch, đề án; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kiên quyết xử lý việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm và không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị; sự ủng hộ mạnh mẽ của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh sẽ được cải thiện, mang lại nhân tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.

Nguyễn Ngọc Sơn

Chuyên mục khác