Thực phẩm hay thuốc lá?

29/05/2023 06:03

Thực phẩm hay thuốc lá, bạn chọn cái nào? Tôi chắc rằng, bất kỳ ai khi được hỏi và nếu phải lựa chọn cũng sẽ khẳng định chắc nịch rằng “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”. Đây cũng chính chủ đề của Ngày thế giới không thuốc lá năm nay (31/5/2023) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra.

“Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” là một thông điệp ý nghĩa trong bối cảnh việc sử dụng thuốc lá vẫn còn phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5/2023), chúng ta cùng nhìn nhận lại vấn đề phòng chống tác hại thuốc lá ở nước ta nói chung và Kon Tum nói riêng.

Phải khẳng định rằng, những năm qua, vấn đề này được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, các địa phương chú trọng thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ người hút thuốc lá, nhất là giới trẻ đã giảm xuống trong những năm gần đây.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá. Ảnh: TH

 

Bộ Y tế thống kê, từ năm 2014 -2022, tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% xuống 13%; ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% xuống 1,9%.

Tại tỉnh ta, thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá luôn được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương quyết liệt triển khai với nhiều hoạt động thiết thực như: Đa dạng các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức, trách nhiệm của người dân về việc xây dựng môi trường không khói thuốc; lắp đặt biển báo cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng; giám sát việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, đơn vị. Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ký cam kết không hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị. Qua đó, tạo được chuyển biến về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đó là sự xuất hiện của các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa nhằm vào thanh thiếu niên. Tình trạng thuốc lá điếu nhập lậu chưa được kiểm soát triệt để. Ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống thuốc lá của một bộ phận người dân còn chưa cao nên  khói thuốc vẫn hiện diện ngay cả ở những nơi có quy định cấm.

Có lẽ mọi người đều biết rõ, hút thuốc lá gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe người sử dụng và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nhưng không những thế, người hút thuốc lá còn phải tiêu tốn một khoản tiền đáng kể để mua thuốc lá, làm ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ở những gia đình kinh tế khó khăn.

Một con số đáng buồn được ngành Y tế công bố là 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá, hằng năm, cả nước có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm, người hút thuốc lá nước ta phải bỏ ra gần 14 ngàn tỷ đồng để mua thuốc lá; đồng thời, nhà nước và người dân phải bỏ ra thêm 23 ngàn tỷ đồng chi phí điều trị, tổn thất vì mắc bệnh và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá gây ra – một con số không hề nhỏ. Nếu khoản chi tiêu cho thuốc lá và chi trả khám, chữa các bệnh do thuốc lá gây ra được chuyển sang chi tiêu cho thực phẩm chắc chắn sẽ thiết thực và mang lại hạnh phúc hơn cho nhiều người.

 Ngoài ra, sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Việc phát triển diện tích trồng cây thuốc lá cũng làm giảm diện tích canh tác các loại cây trồng khác.

 Không gì quý giá bằng sức khỏe con người, từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Thế nhưng, để xây dựng được môi trường không khói thuốc, cần ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi người chứ không phải là những lời hô hào suông.

Thiên Hương

Chuyên mục khác