Thực hiện Quyết định 53/2015/QĐ-TTg: Chậm hỗ trợ, học sinh, sinh viên nghèo khó xoay xở

17/10/2017 19:29

​Gần 2 năm kể từ khi thực hiện, chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp (theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ) đã tiếp sức, giúp nhiều em có hoàn cảnh khó khăn học nghề, vững tin hơn trên con đường lập nghiệp.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo

Năm học 2016-2017, em Y Bỉ ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei xuống Trường Cao đẳng Kinh tế Kĩ thuật học lớp Quản lý đất đai K11. Nhập học được 1 tháng, vì gia cảnh khó khăn, em phải xin nghỉ học.

Biết gia đình Y Bỉ nằm trong hộ nghèo, thầy cô đã phân tích em sẽ được hỗ trợ theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp và động viên em cố gắng theo học. “Em nghe lời thầy cô, cố gắng bám trụ. Đến tháng 12/2016, nhận được tiền hỗ trợ để trang trải các chi phí, nếu không chắc em bỏ học rồi” – em Y Bỉ chia sẻ.

Được hỗ trợ, nhiều em yên tâm học tập. Ảnh: H.T

 

Gia cảnh khó khăn, ba mẹ em Y Bdel ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy phải chắt bóp để em được theo học lớp Quản lý đất đai K10. Tuy vậy, việc học của em cũng như ngọn đèn chông chênh trước gió vì đôi khi gia đình không xoay xở kịp tiền.

Năm 2016, được hỗ trợ theo Quyết định 53, em có tiền trang trải chi phí ăn, ở, đi lại, mua các dụng cụ học tập. Khi biết được chính sách hỗ trợ này, Y Bdel đã báo về gia đình để ba mẹ cho em trai – A Kinh xuống học lớp Lâm sinh K12.

Trường Trung cấp Nghề Kon Tum hiện có khá đông học sinh, sinh viên được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này. Thầy Mai Ngọc Kiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong năm 2016, nhờ chính sách hỗ trợ này, nhà trường thực hiện đạt và vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh được giao.

Hay như Trường Cao đẳng Sư phạm, trong năm học 2016-2017, trường có 148 sinh viên được nhận hỗ trợ theo Quyết định 53. Ngoài việc được nhận tiền hỗ trợ trong 12 tháng/năm, sinh viên tại các trường còn được nhận 1.000.000 đồng/khóa đào tạo để mua đồ dùng cá nhân: chăn, màn, áo ấm… “Quyết định 53 đã đồng hành cùng sinh viên, nhờ đó nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vẫn được tiếp bước đến trường”- thầy Nguyễn Bình Dân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm cho biết.

Cần hỗ trợ kịp thời

Chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp đã tạo điều kiện, giúp nhiều học sinh, sinh viên viết tiếp ước mơ. Tuy nhiên, việc cấp hỗ trợ chưa kịp thời đã khiến nhiều sinh viên phải lao đao.

Thầy Kiên cho biết, theo quy định, thời gian cấp học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ khác được thực hiện 2 lần trong năm học: lần 1 cấp cho 06 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 02 cấp cho 06 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau.

Nhưng thực tế, việc thực hiện không đúng như quy định. Nay đã sang giữa tháng 10 nhưng các trường vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ . “Vì không được hỗ trợ kịp thời nên 66/117 em học sinh khóa 14 (được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 53) đã bỏ học” – thầy Kiên cho biết.

Những em chưa bỏ học cũng trong tình trạng thấp thỏm chờ đợi. Em Y Đêm, Trường Trung cấp Nghề cho biết: “10 tháng rồi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, em đang lo, không biết sắp đến xoay xở thế nào”.

Được hỗ trợ, nhiều học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tham gia học nghề. Ảnh: H.T

 

Em Bdel cũng tâm sự, từ đầu năm đến nay, 2 chị em đang tằn tiện chi tiêu để lo cho việc học. Nếu hàng tháng đều được nhận hỗ trợ thì chúng em sẽ trang trải dễ dàng hơn.

Tương tự, tại Trường Cao đẳng Sư phạm, các em sinh viên nghèo cũng đang chờ đợi tiền hỗ trợ để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập.

Trước tình trạng trên, thầy Kiên cho biết, trong một số cuộc họp, thầy đã bày tỏ khó khăn, mong muốn được cấp kinh phí hàng tháng nhằm hỗ trợ kịp thời nguồn tài chính cho các đối tượng được thụ hưởng. “Khi các em nhận hỗ trợ 2 lần, nhà trường đều phải báo về cho gia đình để nắm thông tin cũng như quản lý tiền, tránh để các em sử dụng không đúng mục đích. Hơn nữa, nhà trường cũng sợ các em không biết cách giữ tiền, nếu đánh mất sẽ không có điều kiện để học”- thầy Kiên nói.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 em học sinh, sinh viên được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng dạy nghề, Sở LĐTB&XH cho biết, từ khi triển khai chính sách nội trú đối với các em đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hút được nhiều đối tượng tham gia học. Đặc biệt, năm học 2016-2017, các lớp nghề tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao. “Từ thực trạng cũng như kiến nghị của các trường, chúng tôi mong muốn địa phương có thể tạm ứng ngân sách chuyển về các trường, hỗ trợ kịp thời để các em không bỏ học. Khi nguồn ngân sách Trung ương chuyển về, sẽ hoàn trả theo đúng quy định để đảm bảo việc học tập cho các em”- ông Quyền cho biết.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác