Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg: ​Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

02/01/2018 13:30

​Năm 2017, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nỗ lực phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung hướng dẫn, tổ chức đào tạo nghề cho lao động. Nhờ được đào tạo nghề, người lao động trên địa bàn tỉnh có thêm cơ hội việc làm.

Hồ hởi học nghề

Cuối tháng 11/2017, tại nhà rông thôn Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức thi, nghiệm thu kết thúc 2 lớp học nghề làm chổi đót cho 45 học viên DTTS theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.

Anh A Mít ở thôn Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy) tham gia lớp học cho biết, anh và 44 lao động khác trong làng tham gia học nghề làm chổi đót được gần 2 tháng. Bà con trong làng chủ yếu sống bằng nghề nông, sau khi thu hoạch mùa màng là khoảng thời gian rảnh rỗi. Mọi người chỉ biết quanh quẩn ở nhà, hoặc rủ nhau uống rượu, vui chơi. Nhưng từ khi học thêm nghề mới làm chổi đót, ai cũng muốn tận dụng thời gian rỗi vào buổi tối, hoặc ngày nghỉ không đi rẫy để làm chổi, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

“Lúc đầu mới học làm chổi cũng khó, kỹ thuật tạo ra sản phẩm này đòi hỏi người học phải biết cân, chia số lượng đót, rồi chít từng cọng thân chổi nhỏ lại với nhau, tiếp đến lấy kẽm cột chặt cả bó và bắt vít vào thân chổi, cắt ngọn chổi tạo thành sản phẩm. Năm bước cơ bản làm ra 1 cây chổi ngắn gọn là thế, nhưng người được đào tạo nghề cũng mất hết 2 tháng chăm chỉ nghe giáo viên truyền đạt lý thuyết, đến chuyển sang tự làm, học hỏi lẫn nhau để bó đều tay và chặt, đẹp, nhanh dưới 10 phút làm ra 1 sản phẩm chổi… Chị em phụ nữ bó chổi khéo tay, nhìn sản phẩm làm ra đẹp hơn cánh nam giới. Nhưng mọi người siêng năng, chắc chắn tay nghề sẽ khá lên” - anh A Mít nói.

Thực hành làm chổi đót kết thúc khóa học nghề nông thôn ở thôn Kà Đừ thị trấn Sa Thầy. Ảnh: M.T

 

Vui với nghề mới học được, chị Y Thưýt - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Kà Đừ cho biết thêm, trong tổng số 45 học viên học nghề có 30 chị em, còn lại là thành viên Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Các học viên đã làm ra 50 cây chổi vừa đẹp, vừa chắc chắn tặng các hộ nghèo trong thôn.

Cũng vào cuối tháng 11/2017, khi đến thăm lớp học nghề nề hoàn thiện ở xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum), chúng tôi gặp anh A Kăm - 1 trong 25 học viên đang trực tiếp vừa học, vừa thực hành đào móng, xây tường cho công trình phụ của một hộ nghèo ở thôn Kon Ktu II. Anh nói: Việc học nghề này phù hợp với lao động nông thôn và nhu cầu về nghề xây dựng nhà dân dụng đang khan hiếm công trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Thời gian học nghề, tranh thủ thứ Bảy và Chủ nhật, A Kăm đi phụ hồ ở 1 công trình trong nội thành, tiền công mỗi ngày được 170 ngàn đồng. “Chủ thầu hứa, sau khi học nghề nề thành thạo, tôi không phụ bốc gạch cho thợ xây nữa mà có thể trộn vữa và phụ trách xây tường. Lúc đó, lương của tôi sẽ tăng 230 ngàn đồng/ngày. Lâu dài có kinh nghiệm, tôi có tiền sẽ thành lập đội thợ xây nhận xây nhà, công trình vệ sinh, nhà bếp... cho bà con ở trong thôn, xã...” - anh Kăm hồ hởi.

Nỗ lực tìm việc cho lao động sau đào tạo      

Theo ông Nguyễn Đăng Sao -  Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Sa Thầy, quá trình cùng cán bộ cơ sở xuống tuyên truyền cho bà con đăng ký học nghề theo danh mục đào tạo của UBND tỉnh, Bộ LĐ-TBXH ban hành, lao động thường đề nghị tư vấn học nghề nào không đòi hỏi trình độ tiếp thu kiến thức cao, sau khi học xong nguồn vốn đầu tư làm kinh tế vừa tầm và sản phẩm bán được…

Trước các yêu cầu của bà con, cán bộ phụ trách công tác trên đã trao đổi, giới thiệu danh mục nghề theo quy định cho mọi người biết. Và như ở làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy, lao động đã chọn đăng ký học nghề làm chổi đót. Bởi nguyên liệu làm chổi, lao động có thể bỏ công sức đi rừng cắt đót đưa về nhà dự trữ, sử dụng dần. Làm chổi đót không phụ thuộc giờ giấc, không đòi hỏi mở nhà xưởng, ngược lại lao động tự làm tại nhà lúc nông nhàn.

“Đến nay, 2 lớp học chổi đót đã kết thúc, học viên được kiểm tra đạt yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận nghề. Đáng mừng là sau khóa học này, lao động được Tổ hợp tác Bông Mây (có cơ sở tại thị trấn Sa Thầy) chuyên sản xuất sản phẩm chổi các loại, đồng ý thu mua sản phẩm do chính họ làm ra. Qua theo dõi chúng tôi nhận thấy, bà con đã thành thạo việc làm chổi đót, thường xuyên nhập hàng cho Tổ hợp tác Bông Mây. Thu nhập tăng thêm đáng kể, khoảng 1,2-1,5 triệu đồng người/tháng” - ông Sao nói. 

Giám sát lớp học nghề nề hoàn thiện ở cơ sở, anh A Diễn - cán bộ phụ trách công tác lao động xã hội xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) cũng khẳng định nghề nề đang là nghề thịnh hành của thanh niên nông thôn vùng ven ngoại thành. Đầu tháng 12/2017, 25 học viên lớp nghề nề hoàn thiện đã kết thúc khóa học. Địa phương cũng liên lạc, giới thiệu các công trình, nhà dân xây dựng cho các học viên có việc làm.

Anh Diễn cho biết, đến nay, thanh niên học nghề đều có việc làm, tiền công tầm 150 ngàn đồng/người/ngày, có người thu nhập cao hơn 250 ngàn đồng/ngày.  

Trong quá trình giám sát triển khai tổ chức đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, Sở LĐ-TB&XH cũng có đánh giá, công tác dạy nghề nông thôn năm nay có chuyển biến tốt hơn. Đầu năm 2017, ngành đã chủ động tiến hành tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý và giám sát hoạt động đào tạo nghề lao động nông thôn cho 296 cán bộ quản lý cấp huyện đến xã và một số chức danh của các hội, đoàn thể cơ sở tham mưu thực hiện công tác này.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập và thành lập các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên ở 10 huyện, thành phố đã phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tại địa bàn. Đến nay, các huyện, thành phố đã có cán bộ chuyên trách quản lý công tác đào tạo nghề tại Phòng LĐ-TB&XH. Những thuận lợi trên đã góp phần cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt và vượt 12,5% chỉ tiêu kế hoạch được giao theo phân bổ nguồn kinh phí trong năm 2017.

Mai Trâm 

Chuyên mục khác