20/01/2018 07:00
Bà Y Sứp, làng Kon K’Tu có tất cả 6 người con. Ngoài 2 người con đã lập gia đình được bà chia đất xây nhà ngay cạnh thì hiện nay bà và 4 người con cùng chen chân trong 1 căn nhà nhỏ. Để đảm bảo cuộc sống, bà Sứp phải dựng thêm một căn nhà sàn nhỏ phía trước sân để các con có chỗ dệt thổ cẩm, kiếm sống.
Bà cho biết, ngày trước, khi được xã vận động, bà và một người con đã di dời, vào khu vực giãn dân làm nhà để sinh sống và sản xuất. “Ở làng đất ít, con lại đông, bà con mình muốn vào khu giãn dân sinh sống cho rộng rãi, thoải mái. Nhưng vào được mấy năm, giờ bà con mình về hết rồi” – bà Y Sứp nói.
|
Được biết, để môi trường sống được đảm bảo, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất trong chính vườn nhà của mình, khoảng năm 2002 - 2003, UBND xã Đăk Rơ Wa đã có định hướng, tuyên truyền bà con tại làng Kon K’Tu, Kon Jơ Ri thực hiện giãn dân. Cụ thể, UBND xã đã vận động bà con đến khu vực cách làng khoảng 3,5km để sinh sống. Mỗi hộ giãn dân được hỗ trợ 800 nghìn đồng.
Với mong muốn có cuộc sống rộng rãi, thoải mái, theo sự vận động, khoảng 20 hộ dân tại làng Kon K’Tu đã hì hục chuyển tranh, tre, nhiều hộ còn thồ gạch, xi măng lên khu vực mới để xây dựng nhà ở. Sau khi các hộ chuyển lên, UBND xã cũng đã đề xuất, dẫn điện về để đảm bảo sinh hoạt cho bà con.
Điều đáng nói, có điện nhưng thiếu nước; đường sá nắng bụi, mưa lầy, nhất là mùa mưa, nước ở các dòng suối dâng lên, người dân như bị cô lập, không về làng được nên nhiều người rất nản. “Ngày đó, trước nhu cầu thực tế, xã đã định hướng chứ việc giãn dân không theo một đề án, dự án hay quy hoạch nào cả. Bởi vậy, mọi vấn đề kéo điện, làm đường, trường, trạm thực sự khó khăn” - ông Phan Thanh Nam – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa giải thích.
Xa trường, việc đi học của trẻ em gặp quá nhiều khó khăn; không trạm, không hàng quán, đường sá lại cách trở… khó khăn nối tiếp khó khăn, không thích nghi được với cuộc sống, năm 2006, các hộ dân lại khăn gói, rủ nhau trở về làng. “3 năm bỏ công sức, tiền của lên phát dọn, dựng nhà, giờ bỏ lại, tiếc lắm! Nhưng vất vả quá, bà con mình đành phải về lại chứ biết sao được” – bà Y Sứp nói.
|
Trước đây, cô Y Senh, làng Kon K’Tu cũng vận động con mình lên khu vực giãn dân sinh sống. Nhưng rồi, sau khi xây nhà xong, con cô cũng phải quay về vì những khó khăn. Đến bây giờ, cô và 4 người con (trong tổng số 12 người con) đang phải sống chung trong 1 căn nhà. “Các con lập gia đình, mình chia đất xung quanh hết rồi. Mình mong muốn khu giãn dân được đầu tư điện, nước, đường… đàng hoàng để cho 2 con lên ở” – cô Senh nói.
Không riêng gì cô Senh, trước tình trạng đất chật, người đông như hiện tại, nhiều hộ dân tại làng Kon K’Tu cũng mong muốn được đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường sá tại khu giãn dân để họ tách hộ, có điều kiện sống tốt hơn. “Bây giờ mình và các con thỉnh thoảng vẫn ở lại nhà tại khu giãn dân để sản xuất. Nếu cơ sở hạ tầng đảm bảo, bà con sẽ lên ở ngay” – bà Sứp chia sẻ.
Ông Phan Thanh Nam cho biết, UBND xã nắm được những khó khăn cũng như nguyện vọng của bà con. Tuy nhiên để xây dựng đường giao thông là việc không dễ, xã không đủ tiềm lực nên rất khó để thực hiện. “Sau khi người dân quay trở về làng, điện tại khu vực giãn dân cũng bị cắt. Vì không đủ tiềm lực nên hiện tại xã vẫn chưa có hướng mở thêm về việc giãn dân sau này” – ông Nam nói.
Bài và ảnh: Bình An - Tất Thành