Thực hiện Đề án 02-1133/TTg: Hạn chế tình trạng người dân vi phạm pháp luật

19/01/2019 06:35

Thực hiện Đề án 02-1133/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”, năm 2018 vừa qua, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình “Tổ nòng cốt”, và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và thực thi pháp luật trong đời sống nhân dân. Qua đó, đã ngăn chặn, hạn chế tình trạng người dân vi phạm pháp luật, cũng như góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương.

Năm 2018, tiếp tục duy trì triển khai Đề án 02-1133/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, ban, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong quá trình thực hiện Đề án tại cơ sở, Mặt trận và các đoàn thể địa phương được cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm, chỉ đạo đội ngũ cán bộ liên quan tổ chức thường xuyên, tích cực các hoạt động đã đề ra.

Cụ thể, năm qua, toàn tỉnh có 3.118 đợt tuyên truyền pháp luật, thu hút hơn 370 ngàn lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Thông qua triển khai Đề án 02-1133/TTg, tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp đã giảm đáng kể; việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đạt 93,7%.

Ông Bùi Duy Chung – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: Mặt trận cấp huyện, xã và chính quyền địa phương đã làm tốt khâu lựa chọn cán bộ có năng lực, am hiểu về pháp luật để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo. Mặt khác, từ khi có Đề án này, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được rà soát, tạo điều kiện tham gia nhiều đợt tập huấn, cập nhật thông tin, văn bản pháp luật mới. Qua đó, đã giúp họ nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục về pháp luật đạt hiệu quả cao hơn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các đơn vị tuyên truyền đến hội viên, người dân về Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật. Hình thức tuyên truyền chủ yếu là tổ chức hội nghị, cấp phát tờ rơi các loại; tổ chức tuyên truyền trên phương tiện truyền thông ở tỉnh, hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn và qua các hội thi tìm hiểu pháp luật, trao đổi tọa đàm...

Khen thưởng cho các đơn vị thực hiện xuất sắc Đề án 02-1133/TTg. Ảnh: M.T

 

Ông Bùi Duy Chung nhận xét: Triển khai Đề án này, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên đã xây dựng điểm, tiến đến nhân rộng, hoạt động hiệu quả gần 200 mô hình “Tổ nòng cốt” ở khu dân cư; đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân kịp thời; vận động nhân dân tuân thủ nghiêm túc pháp luật, đồng thời hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm luật pháp ở khu dân cư.  

Minh chứng hiệu quả hoạt động “Tổ nòng cốt”, ông A Cần - Tổ trưởng Tổ nòng cốt thôn 14B, xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei) cho hay, thôn 14B có 174 hộ, phần lớn bà con chỉ tập trung mưu sinh, nên việc tự tìm hiểu và nâng cao nhận thức về pháp luật chưa cao. Từ thực trạng trên, đầu năm 2018, thôn 14B được UBND xã Đăk Pét chọn xây dựng điểm “Tổ nòng cốt” gồm 7 thành viên. Tất cả các thành viên được tập huấn, tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động tuyên truyền hiệu quả 18 đợt cho 354 lượt người; vận động 100% gia đình đăng ký “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, và phấn đấu thôn đạt danh hiệu “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”. Tổ cũng thường xuyên ra quân vận động các hộ kinh doanh, người dân cam kết tự tháo dỡ các vật dụng, mái che vi phạm hành lang an toàn giao thông, tự giác giữ gìn vệ sinh nơi cư trú và đổ rác đúng nơi quy định.

“Kết quả năm 2018, bà con ở thôn được đánh giá có nâng cao hiểu biết pháp luật. Toàn thôn không có tình trạng bị mất trộm vặt, không có hộ vi phạm pháp luật” - ông A Cẩn nói.

Ông Lê Ngọc Văn - Trưởng Ban Tuyên giáo của Hội Nông dân tỉnh thông tin: Tham gia Đề án, 95% số thành viên của các “Tổ nòng cốt” ở khu dân cư đều là hội viên Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn viên thanh niên, người có uy tín ở thôn, làng... Tất cả thành viên của tổ nòng cốt đều được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nói chuyện trước đám đông, kỹ năng lồng ghép các nội dung tại buổi tuyên truyền, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Chính việc trang bị tốt các điều kiện cơ bản về công tác tuyên truyền, nên các thành viên đã vận dụng kiến thức có được, tham gia xây dựng các chuyên đề về an ninh trật tự, về phát triển kinh tế - xã hội và thực thi pháp luật để truyền đạt đến người dân hiệu quả hơn.

Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh khẳng định, việc duy trì thực hiện Đề án 02-1133/TTg trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp trong việc nâng cao nhận thức của người dân thực thi pháp luật, góp phần ngăn chặn và hạn chế tình trạng người dân vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở địa phương.          

Mai Trâm

Chuyên mục khác