Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí- Không hô khẩu hiệu

04/03/2023 06:46

Hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không đến từ việc hô khẩu hiệu hay tính hình thức, mà là từ những hành động cụ thể, thực chất.

Có thể nói, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo triển khai; đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền trong thời gian qua.

Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách, tổ chức chất vấn, giám sát, tái giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhất là việc thực hiện đầu tư công; quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai, chi thường xuyên; việc công khai tiết kiệm cho người dân giám sát.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và chính quyền các huyện, thành phố tổ chức triển khai các chương trình công tác, kế hoạch thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công để tránh lãng phí nguồn lực. Ảnh: T.H

 

Vì vậy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, Các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức đã có chuyển biến về ý thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản; trang thiết bị được cấp phát, mua sắm; sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Các quy định về công khai minh bạch chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện trong các lĩnh vực như sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng từng bước đi vào nề nếp. Hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm tài sản công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Năm 2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Báo cáo số 42/BC-UBND ngày 27/2 của UBND tỉnh cho thấy, việc quản lý và thu chi ngân sách chặt chẽ, có tiết kiệm cơ cấu chi hợp lý, không dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho phát triển và đầu tư, đảm bảo chi cho an sinh xã hội.

Trong đó, tiết kiệm trong lập, thẩm định phê duyệt dự toán, quản lý, điều hành ngân sách nhà nước là điểm sáng ấn tượng với 185,84 tỷ đồng. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng có dấu ấn với hơn 99 tỷ đồng, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được tăng cường, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, quy hoạch và mua sắm tài sản công. Năm 2022, toàn tỉnh triển khai 164 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó kết thúc 124 cuộc.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện tổng số tiền sai phạm là hơn 12,189 tỷ đồng và 4.042,7ha đất. Đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 9,896 tỷ đồng, thu hồi về đơn vị 980,15 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 20,7ha đất; kiến nghị xử lý khác hơn 1,312 tỷ đồng và 4.022ha đất.

Cần khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai. Ảnh: TH

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn không ít tồn tại hạn chế. Trong đó nổi lên việc xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm so với thời gian quy định.

Trong quản lý xây dựng cơ bản, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng một số công trình từ nguồn đầu tư công vẫn chậm tiến độ; công tác duy tu bảo dưỡng, kiểm tra giám sát hiệu quả đầu tư của các công trình dự án sau hoàn thành đưa vào sử dụng còn hạn chế.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, cử tri vẫn phản ánh về tình trạng lãng phí xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đó là những dự án treo, quy hoạch treo, những công trình “trễ hẹn” nhiều lần, hay tình trạng chậm giải ngân đầu tư công, đầu tư hạ tầng không hiệu quả.

Đó còn là sự lãng phí không thể cân đo đong đếm như thời gian, cơ hội, đất đai, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, hay cách thức tổ chức làm việc, triển khai chủ trương, chính sách.

Dù hậu quả không dễ được lượng hóa về những thất thoát như hành vi tham nhũng gây ra, nhưng rõ ràng lãng phí có thể gây nên hệ lụy không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.

Vì vậy, với mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các cấp các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể từng mục tiêu, chỉ tiêu, gắn với đặc thù của từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Nhận diện rõ những thất thoát, lãng phí ở từng lĩnh vực, từ đó xác định trọng điểm cần phải tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong đầu tư công, sử dụng tài sản công, giải phóng mặt bằng.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Những biện pháp nêu trên là rất quan trọng, cần thiết. Nhưng thiết nghĩ, gốc của vấn đề là khắc phục triệt để tính hình thức, chung chung, hô khẩu hiệu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thay vào đó bằng hành động cụ thể, gắn với cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức.

Đồng thời cần đề cao tính chủ động trong thực hiện, sao cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân, được thực hiện mọi nơi, mọi lúc.

Và cuối cùng, bên cạnh việc khắc phục hạn chế, tồn tại, cần chú trọng phát hiện, phổ biến, nhân rộng các mô hình, cách thức làm hay trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.     

Thành Hưng

Chuyên mục khác