Thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS

14/08/2020 06:05

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, tỉnh Kon Tum đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.

Theo số liệu đánh giá của  Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2017-2019, tỉnh ta đã tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo động lực đẩy nhanh sự phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Tổng số lượt hộ được hỗ trợ các nội dung từ năm 2017-2019 là 5.681 hộ. Trong đó: hỗ trợ đất ở cho 1.088 hộ/2.394 hộ, đạt 45,4%, tổng diện tích 31,84 ha; hỗ trợ đất sản xuất cho 82 hộ/795 hộ, đạt 10,3%, tổng diện tích 23,48 ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 739 hộ/5.992 hộ, đạt 12,3%; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 3.772 hộ/11.188 hộ, đạt 33,7%; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 1.208 lượt hộ với tổng kinh phí 43.306 triệu đồng.

Tổng kinh phí thực hiện các nội dung 53.275,3/67.682 triệu đồng, đạt 78,5% so với kế hoạch vốn giao. Trong đó, ngân sách Trung ương: 8.729,3 triệu đồng, đạt 98% kế hoạch giao; ngân sách địa phương hỗ trợ san đất tạo nền nhà 1.240 triệu đồng, đạt 97,33%; vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 43.306 triệu đồng, đạt 75,32% kế hoạch giao, trong đó vốn vay tạo quỹ đất sản xuất 485 triệu đồng, vốn vay chuyển đổi nghề 34.686 triệu đồng, vốn vay tín dụng ưu đãi khác 8.135 triệu đồng.

Truyền dạy múa xoang cho các em nhỏ. Ảnh: XB

 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tiễn triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã nảy sinh những bất cập mà ngành chức năng ở Trung ương cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ đề ra giải pháp hữu hiệu và địa phương cần có sự linh hoạt hơn trong triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển toàn diện ở những nơi đây.

 Ông Blong Tiến - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: “Qua giám sát việc thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh từ năm 2017-2019, chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa tốt; một số hộ dân khi được hỏi thì không biết mình được thụ hưởng từ chương trình, chính sách nào”.

Mặt khác, Đề án của các huyện, thành phố xây dựng không sát thực tế; một số hộ được thụ hưởng chính sách nhưng đang còn dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo ở mức tối đa; việc phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn của UBND các huyện, thành phố còn chậm. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh chậm, ít, không đồng thời với nguồn vốn vay. Từ đó, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn vay cũng như hiệu quả của việc sử dụng vốn. Quá trình triển khai thực hiện các nội dung không đồng bộ, đạt thấp so với Đề án được phê duyệt. Việc triển khai thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ DTTS ở một số địa phương còn chậm; việc giải ngân nguồn vốn vay không đạt kế hoạch của Đề án; việc tổ chức lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án khác với Đề án còn hạn chế.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Quyết định 2085 ở một số xã còn lúng túng, không nắm chắc tình hình thực hiện, nhất là nguồn vốn vay từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Một số hộ dân được hỗ trợ khai hoang đất sản xuất năm 2019 đã thực hiện khai hoang nhưng do UBND cấp xã thực hiện các thủ tục hỗ trợ chậm, đến năm 2020 các hộ này đã thoát nghèo nên không nhận được tiền hỗ trợ. Một số hộ dân được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề trong năm 2019 nhưng chỉ mới được vay từ NHCSXH tỉnh, chưa được nhận hỗ trợ 5 triệu đồng, đến năm 2020 các hộ này thoát nghèo, không còn nằm trong danh sách các hộ được thụ hưởng nữa nên không được nhận tiền hỗ trợ.

Người dân xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei được hỗ trợ nước sinh hoạt theo Quyết định 2085/QĐ-TTg. Ảnh: Q.Đ

 

Bên cạnh đó, một số huyện chưa cân đối, bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ đất ở để đảm bảo hoàn thành mục tiêu về nội dung đất ở theo Đề án; chưa bố trí kinh phí kịp thời cho Phòng Dân tộc để thực hiện việc rà soát, xác định đối tượng ở cơ sở và kinh phí quản lý trong quá trình thực hiện làm ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả của Đề án. Hộ nghèo ở các địa phương có sự thay đổi, biến động theo từng năm; do đó, danh sách đối tượng thụ hưởng được rà soát, phê duyệt Đề án so với thời điểm thực hiện không còn phù hợp.

Thêm vào đó, một số hộ khi phê duyệt là hộ nghèo, nhưng khi thực hiện đã thoát nghèo không thuộc diện hỗ trợ, vay theo quy định hoặc đang còn dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo ở mức tối đa làm ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách, ảnh hưởng đến công tác tổ chức, triển khai thực hiện. Nhu cầu nguồn vốn để thực hiện các nội dung của Đề án là rất lớn nhưng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ phân bổ còn ít và chậm so với kế hoạch (nhu cầu Đề án ngân sách Trung ương hỗ trợ  57.695,5 triệu đồng; giai đoạn 2018-2020 Trung ương phân bổ về cho tỉnh Kon Tum tổng kinh phí là 12.726/57.695,5 triệu đồng, bằng 22,06% so với nguồn kinh phí được phê duyệt) nên việc triển khai thực hiện các nội dung không đạt mục tiêu của Đề án đề ra trong giai đoạn 2017-2020.

Theo ông Blong Tiến, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019), đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn ngân sách Trung ương để địa phương chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; cơ chế thanh, quyết toán chung cho Chương trình, tránh trường hợp khi triển khai thực hiện các nội dung nhưng phải chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền dẫn đến chậm tiến độ thực hiện Đề án.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là về vay vốn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh để các đối tượng thụ hưởng nắm và hiểu rõ về ý nghĩa, mục tiêu của chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời phát hiện những hạn chế và tham mưu UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; rà soát lại tất cả các hộ dân đã khai hoang đất sản xuất nhưng chưa được nhận hỗ trợ để có hướng giải quyết cho phù hợp, không để người dân bị thiệt; cân đối, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đất ở để đảm bảo hoàn thành mục tiêu về nội dung đất ở theo Đề án; bố trí kinh phí quản lý cho cơ quan thường trực cấp huyện để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác