18/07/2020 13:01
Đáp ứng những yêu cầu đổi mới đó, trong thời gian qua, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã tạo ra nhiều sân chơi khoa học kỹ thuật nhằm mục đích tập hợp, động viên các em yêu thích khoa học kỹ thuật, phát huy cao nhất kiến thức đã học được trong trường học cũng như trong thực tiễn cuộc sống để sáng tạo ra những sản phẩm khoa học có khả năng ứng dụng thực tiễn đem lại hiệu quả. Nổi bật trong số đó là các sản phẩm: Game lịch sử Việt Nam “Vua cờ lau” đạt giải Đặc biệt; sản phẩm “Máy đọc tài liệu dành cho người khiếm thị” đạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc… và hàng trăm mô hình, sản phẩm đạt giải cấp bộ, cấp tỉnh…
Tuy nhiên, các sân chơi này vẫn chưa có sức lan tỏa hay trở thành phong trào rộng lớn trong các cấp, ngành và đặc biệt là các nhà trường. Ông Lê Văn Hùng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật - thành viên Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh cho biết: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật chưa được chú trọng, chưa có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng để hỗ trợ cho hoạt động này, hay hình thức động viên, khen thưởng chưa thỏa đáng, kịp thời,… nên vẫn chưa thu hút được nhiều đối tượng đến với sân chơi khoa học kỹ thuật”.
Để khuyến khích tinh thần sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê khoa học kỹ thuật của các em học sinh lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, tạo phong trào sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành liên quan cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật cho các em ngay từ rất sớm để tạo nền tảng tư duy, phát triển kỹ năng. Đổi mới hình thức tuyên truyền sao cho thật phong phú, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực và phải được cụ thể hóa đến từng đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng.
|
Thường xuyên mời các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm đến nói chuyện, định hướng cho các em về các nghiên cứu, sáng tạo để từ đó các em có được vốn kiến thức, có những kỹ năng, kỹ thuật cần thiết để vận dụng vào quá trình nghiên cứu, sáng tạo nên các sản phẩm khoa học có chất lượng, khả năng ứng dụng vào thực tiễn đời sống xã hội.
Ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, đa số các em đều là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì vậy, nhà trường phải luôn chú trọng đến công tác đánh giá năng lực thực của học sinh và có sự quan tâm đặc biệt, kịp thời với những em học sinh có ý tưởng và thật sự đam mê nghiên cứu khoa học, từ đó, phân công giáo viên trực tiếp hướng dẫn từng bước. Mặt khác, giáo viên hướng dẫn phải thực sự có tinh thần trách nhiệm, sát sao, gần gũi để các em có thể chia sẻ ý tưởng, trên cơ sở đó, cả giáo viên hướng dẫn và học sinh cùng quyết định lựa chọn ý tưởng nghiên cứu, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình và nhà trường.
Bên cạnh những sân chơi khoa học kỹ thuật chính thống được tổ chức hằng năm như Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là cơ quan thường trực phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức); Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức); Hội thi Tin học trẻ (do Tỉnh đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức)… Các cấp, ngành liên quan cần tạo thêm nhiều sân chơi khoa học kỹ thuật mới, lạ, có tính trực quan để thu hút các em tham gia. Đây là những môi trường thuận lợi để vun đắp sự đam mê sáng tạo của các em với khoa học kỹ thuật và thúc đẩy tinh thần chủ động tìm tòi, học hỏi khoa học của các em.
Ông Lê Văn Hùng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để các em có điều kiện tiếp cận và đầu tư cho khoa học kỹ thuật, vì ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng các em đang sống phụ thuộc vào gia đình nên việc dành khoản kinh phí cá nhân để phục vụ nghiên cứu khoa học rất khó thực hiện. Nhà trường cũng cần tăng cường hỗ trợ cho công tác thực hành, thực nghiệm của các em, không ngừng động viên, khích lệ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh và giáo viên hướng dẫn yên tâm nghiên cứu, sáng tạo những mô hình, sản phẩm đạt chất lượng cao. Đồng thời có những hình thức khen thưởng kịp thời, thường xuyên để động viên, khuyến khích tinh thần của các em học sinh cũng như giáo viên hướng dẫn khi tham gia hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì các hoạt động khoa học kỹ thuật ngày càng thu hút được nhiều đối tượng tham gia, nhất là các đối tượng lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Khoa học kỹ thuật sẽ trở thành một môi trường thuận lợi để các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống và xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Quang Mạnh