27/12/2024 13:04
Theo Luật An toàn thực phẩm 2010, thức ăn đường phố được hiểu là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự.
Thức ăn đường phố, vốn luôn có sức hấp dẫn bởi sự phong phú, đa dạng, tiện lợi, và được xem như là một nét đặc trưng trong ẩm thực Việt. Không ít món ăn đường phố nổi tiếng, được những tổ chức, chuyên trang ẩm thực quốc tế vinh danh, như bánh mì, phở, cơm tấm, chả giò và bánh xèo.
Luật An toàn thực phẩm 2010 cũng quy định, nơi bày bán thức ăn đường phố phải bảo đảm điều kiện về ATTP, như phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh ATTP. Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành.
Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.
|
Thế nhưng, quy định vẫn là… quy định. Bước chân ra đường, ai cũng có thể thấy các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt, từ gánh hàng rong hay hàng quán ngồi bệt vỉa hè như bánh mì, cơm, cháo, bún thịt nướng, bánh xèo, bánh canh; chân gà, cánh gà nướng.
Khách hàng của những hàng quán này rất đa dạng, từ công chức, viên chức nhà nước, giáo viên, công nhân, lao động tự do đến học sinh, sinh viên. Vào buổi sáng và chiều, chỗ nào cũng tấp nập thực khách. Chen chúc. Ồn ào. Nóng nực!
Không có số liệu thống kê, nhưng tôi dám chắc rằng, đa số những nơi bán thức ắn đường phố như thế đều không được cấp giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Còn người ăn, họ nghĩ gì? Hãy nghe một khách hàng chia sẻ: Mình thường chọn thức ăn đường phố vì vừa rẻ vừa tiện, đỡ mất thời gian. Còn chuyện ATTP thì ở đâu cũng vậy, tùy thuộc vào lương tâm của người bán.
Điều đáng nói là, trong khi công tác quản lý, kiểm soát ATTP tại nhà hàng, quán ăn, cơ sơ sản suất, kinh doanh thực phẩm đang được thực hiện khá tốt, thì dường như “thả nổi” với thức ăn đường phố.
Theo Sở Y tế, trong năm 2024, ngành Y tế tỉnh thường xuyên giám sát bảo đảm ATTP tại các nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ nấu ăn lưu động. Trong đó, tuyến tỉnh đã kiểm tra 448 cơ sở, kết quả là có 98,9% cơ sở đạt tiêu chuẩn về ATTP. Trong số 4.852 cơ sở do tuyến huyện và tuyến xã kiểm tra, có 4.382 cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP (90,3%).
Việc kiểm tra tập trung vào các nội dung như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận); giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, thức ăn đường phố lại không được giám sát thường xuyên như vậy. Bạn tôi, một chủ nhà hàng “thường thường bậc trung” chia sẻ rằng, dù nhà hàng tuân thủ quy trình nấu nướng nghiêm ngặt, nhưng vẫn thường “được” kiểm tra ATTP nhất là các loại giấy tờ, chứng nhận; đầu vào nguyên liệu; lưu mẫu thực phẩm.
Trong khi đó, tủ bán bánh mì trước cửa, mỗi sáng bán cả 50-60 ổ bánh mì có nhân, làm ăn tạm bợ, nhưng không bị kiểm tra.
Các loại thịt, pa tê, các loại rau, củ, rồi nước tương, nhập từ đâu, chất lượng thế nào, không ai quan tâm. Nếu chẳng may khách hàng bị ngộ độc bởi ăn bánh mì mà phần nhân đã nhiễm khuẩn, việc truy xuất nguồn gốc chả khác nào mò kim đáy bể. Ngay cả miếng giấy lót ổ bánh cũng được cắt ra từ tờ báo lem luốc mực, nhưng không ai nhìn đến- anh kể.
|
Theo các chuyên gia y tế, thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn mối nguy hại khó lường cho sức khỏe. Vì không thể kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu; cũng khó kiểm soát được cách chế biến hoặc bảo quản có đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP hay không. Chưa kể đến các yếu tố môi trường xung quanh, như bụi bẩn, ô nhiễm nước, rác thải, vì bày bán bên đường.
Một số ý kiến cho rằng, quản lý kinh doanh thức ăn đường phố là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đây là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ nên không cần đăng ký kinh doanh, cũng rất khó đòi hỏi họ trang bị đủ điều kiện vật chất và kiến thức chuyên môn.
Trong khi đó, số lượng hàng quán thức ăn đường phố hiện nay là rất lớn, lại cơ động, thường di chuyển, do đó lực lượng chức năng hay chính quyền địa phương rất khó, hoặc không đủ nhân lực để kiểm soát hết tất cả.
Nhưng cũng không thể ngồi than với nhau mãi rằng rất khó kiểm soát các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ. Chúng ta không thể cấm tuyệt đối thức ăn đường phố được, bởi đây còn là đường mưu sinh của rất nhiều người, rất nhiều gia đình, khó cũng cần làm.
Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần rà soát và thống kê các điểm bán thức ăn đường phố để quản lý; có giải pháp hạn chế hàng quán ngồi lê vỉa hè hay những vị trí nguy cơ cao về vệ sinh môi trường.
Thường xuyên triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ mất ATTP phù hợp với thức ăn đường phố, theo nguyên tắc không làm khó cũng không buông lỏng.
Vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội. Muốn vậy cần phải giáo dục ý thức cho cả người bán lẫn người mua.
Để đảm bảo an toàn cho chính mình, bản thân người ăn cần tránh thói quen tùy tiện, chọn cơ sở có thương hiệu, sạch sẽ, thoáng mát, có đăng ký, tránh vỉa hè có rác thải, nước bẩn.
Thành Hưng