Thư viện thân thiện

25/02/2021 06:08

Thư viện thân thiện được thiết kế theo hình dáng nhà rông không chỉ giúp học sinh ở các trường trên địa bàn huyện Kon Rẫy có không gian mở để đọc sách mà còn giúp các em hiểu được việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhà rông được trang trí bởi những giỏ cây xanh, giỏ hoa trở thành điểm nhấn của Trường Tiểu học Kơ Pa Kơ Lơng, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy. Bên trong nhà rông, rất nhiều đầu sách được trưng bày rất đẹp mắt. Bàn ghế phục vụ việc đọc cũng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đon đả đón khách, cô Tiến Kim Dung – Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi khoe: “Đây là thư viện của nhà trường đấy! Thư viện được thiết kế theo hình dáng nhà rông để tạo không gian mở cho các em. Từ khi có thư viện này, các em rất thích đọc sách, nhiều em còn đến sớm, về muộn để được đọc sách”.

Trước đây, nhà trường có xây dựng thư viện xanh ngoài trời, tuy nhiên, vào mùa mưa, học sinh không thể ngồi dưới sân trường đọc sách. Chính vì vậy, nhà trường nung nấu ý định sẽ xây dựng một thư viện mới cho các em. “Thay vì xây dựng thư viện theo không gian khép kín, chúng tôi lên ý tưởng xây dựng theo mô hình nhà rông với không gian mở. Ở đây gần 100% học sinh là người DTTS, việc xây dựng thư viện mang hình dáng nhà rông sẽ tạo sự gần gũi, không gian quen thuộc cho các em” – cô Dung nói về ý tưởng.

Không gian thư viện thân thiện của Trường TH Kơ Pa Kơ Lơng. Ảnh: H.T

 

Định hình về thư viện đã có nhưng vì không có kinh phí nên nhà trường chưa thể thực hiện. Đến giữa năm 2019, được dự án Plan khu vực Kon Tum hỗ trợ kinh phí, nhà trường liền chia sẻ ý tưởng và nhanh chóng được đầu tư xây dựng.

Ý tưởng được đưa vào thực tế, sau một thời gian khởi công xây dựng, thư viện xanh được thiết kế như một nhà rông nhỏ đã mang lại niềm vui, niềm háo hức cho các em học sinh. Để phục vụ việc đọc, nhà trường còn đầu tư nhiều đầu sách, đồng thời tổ chức các tiết đọc thư viện để tạo hứng thú. “Ngồi trong nhà rông đọc sách, bản thân chúng em cảm giác như đang được ngồi ở làng vậy. Không gian gần gũi, thoải mái, mát mẻ lắm. Sách nhiều, bạn bè lại đông vui nên giờ ra chơi nào chúng em cũng lên đây để đọc sách” – em Y Hải, học sinh lớp 5A cho hay.

Không riêng Trường Tiểu học Kơ Pa Kơ Lơng, 1 năm trở lại đây, được dự án Plan hỗ trợ hơn 5 triệu, Trường Trung học cơ sở Đăk Tờ Re cũng xây dựng thư viện xanh theo mô hình nhà rông. Thầy Nguyễn Văn Hiểu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường có hơn 90% học sinh là người DTTS, việc xây dựng thư viện theo mô hình nhà rông rất phù hợp với văn hóa địa phương. Chính vì vậy, khi được hỗ trợ, các thầy trong trường liền góp công sức để thực hiện.

Tham gia đọc sách tại thư viện xanh, em Võ Thị Oanh (dân tộc Ba Na) phấn khởi cho biết: Trong làng có nhà rông, giờ trong trường cũng có nhà rông nên em rất thích. Đặc biệt, tại thư viện này có kệ sách, bàn ghế đầy đủ nên việc đọc sách rất thuận tiện. “Chúng em vừa đọc sách, vừa vui chơi, cười nói, chuyện trò rất vui vẻ. Ngày nào em cũng đi học sớm để được đọc sách”- em Oanh chia sẻ.

Các cô giáo Trường Mầm non Họa Mi chuẩn bị không gian đọc truyện cho trẻ. Ảnh: HT

 

Trường Mầm non Họa Mi, xã Đăk Tờ Re cũng xây dựng thư viện thân thiện mang hình dáng của nhà rông. Theo đó, nhà trường tự bố trí kinh phí, phụ huynh góp công sức, cùng giáo viên xây dựng. “Nhà rông là đặc trưng văn hóa địa phương chính vì vậy khi triển khai thực hiện, phụ huynh rất đồng tình. Không chỉ hỗ trợ công sức cùng nhà trường xây dựng, nhiều phụ huynh còn nán lại đọc sách, đọc truyện khi đến đón con” – cô Vũ Thị Sáu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Thư viện thân thiện được thiết kế theo mô hình nhà rông có không gian mở, gắn liền với thiên nhiên, cuộc sống đã tạo hứng thú cho các em học sinh đọc sách đồng thời đem lại tinh thần thoải mái sau những giờ học căng thẳng. Không chỉ thế, việc xây dựng thư viện còn giúp cho các em hiểu hơn về văn hóa của dân tộc, biết trân quý, giữ gìn mái nhà rông truyền thống. “Chúng tôi rất ủng hộ việc các trường trên địa bàn xã Đăk Tờ Re xây dựng thư viện thân thiện theo hình dáng nhà rông. Hiện nay, tại xã Đăk Pne cũng có 1 trường xây dựng thư viện xanh theo hình nhà rông truyền thống. Với những hiệu quả thiết thực, chúng tôi khuyến khích các trường trên địa bàn huyện tùy vào điều kiện thực tế tổ chức nhân rộng, thực hiện, để phát huy văn hóa đọc cho các em” – cô Hồ Thị Cảnh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy cho hay.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác