21/06/2018 07:15
Ngày mới ra trường, tôi ghét cái triết lý khô khan của ai đó khuyên mình. Còn bây giờ, đôi lúc, tôi thấy mình cũng bột phát những câu nói “sặc mùi” triết lý như vậy với chính bản thân mình và với những người bạn mới chập chững bước vào nghề như một cách để động viên, an ủi…
Má tôi bảo: “Chỉ khi con người ta trải nghiệm rồi mới trưởng thành và có suy nghĩ thấu đáo hơn”, thật đúng!
Hơn 10 năm bước vào nghề, ngẫm lại, nhờ “thử thách”và “đam mê” đã giúp tôi trụ lại với nghề cho đến hôm nay bằng tất cả tình yêu của mình.
Tôi tự hào nói về điều đó bởi vì, hơn 10 năm bước vào nghề, tuy chưa phải là thời gian đủ để học hỏi hết về nghề nhưng cũng đủ để cho tôi biết được những khó khăn, vất vả cũng như cái hay riêng mà không phải nghề nào cũng có được. Để rồi trên hành trình tương lai của mình, tôi vẫn quyết định đi tiếp con đường mà mình đã chọn.
Nhiều người hỏi tôi, nghề báo có gì hay? Tôi đã không ngần ngại trả lời, đó là những chuyến đi đã cho tôi hiểu thêm nhiều điều mới mẻ, biết thêm nhiều thứ và cảm nhận rõ hơn nhiều điều… Từ những chuyến đi, những trải nghiệm thực tế ấy, bản thân tôi có cơ hội được rèn luyện, thử thách và trưởng thành hơn.
Những lần chuyện trò cùng bạn bè, tôi vẫn thường hãnh diện khoe rằng, có những điều thực tế nó ngoài sức tưởng tượng, mà nếu không đi được đến tận nơi, không chứng kiến được tận mắt thì không tài nào cảm nhận hết được, đó là phong tục hay lễ hội độc đáo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số; đó là sự đổi thay đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Cũng có khi đó là những cung bậc cảm xúc làm cho tôi thăng hoa hơn trong cuộc sống, nghề nghiệp hoặc những điều trăn trở mà với trách nhiệm của người làm báo mình cần phải lên tiếng.
Bạn tôi bảo, vì có niềm đam mê, có tình yêu với nghề nên mới cảm nhận được như vậy, chứ nghề báo là một trong những nghề áp lực, nguy hiểm và vô cùng vất vả chẳng mấy ai muốn dấn thân.
Không phải nói ra để khen mình và tâng bốc cho cái nghề của mình nhưng phải thừa nhận nghề báo quả thật vô cùng vất vả. Đặc thù của nghề viết lách này là không kể ngày đêm, khi nào có tin bài là phải đi, thức và viết.
Dấn thân vào nghề báo với những chuyến công tác dài ngày, những cuộc họp, những sự kiện đột xuất... cũng đồng nghĩa sẽ không đều đặn được ăn những bữa cơm nhà, không thường xuyên đưa đón con cái đến trường… như bao ông bố, bà mẹ công tác ở những ngành nghề khác.
Vì vậy, người làm báo sẽ chịu nhiều áp lực hơn, nếu như bạn đời của họ không biết cảm thông, chia sẻ.
Đó là câu chuyện áp lực trong gia đình, với người làm báo còn chấp nhận đối đầu với nhiều hiểm nguy có thể xảy ra với mình bất cứ lúc nào.
Tôi đã nghe nhiều đồng nghiệp của mình kể về những vất vả, nguy hiểm mà nghề mang đến. Để đổi lấy những con chữ làm nên những bài viết mang thông tin kịp thời đến cho độc giả, nhà báo đã bỏ ra biết bao công sức, mồ hôi, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng…
Và điều này, bản thân tôi cũng đã trải nghiệm. Một lần về xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) viết về mô hình trồng sâm của bà con ở làng Tân Rát, đang đứng ở lưng chừng núi thì gặp trời mưa. Cũng lần ấy, tôi bị một phen hú vía vì trượt chân, ngã nhào xuống con dốc thẳng đứng ở phía sau làng, vì cái lạnh và vì tay chân tê cứng không bám trụ được đồi dốc trơn trượt.
Lần khác, tôi cùng bạn đồng nghiệp chạy xe máy vượt con dốc sau làng Kon Klốc thuộc xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) đi tìm hiểu mô hình làm kinh tế giỏi của anh A Bok. Vì không quen đường rừng nên chiếc xe của chúng tôi đã trượt bánh lao vùn vụt về hướng vực sâu… May mà lần ấy, bên bờ vực có mấy cục đá to do ngọn đồi phía trên xói mòn sạt lở trôi xuống chắn lại nên chúng tôi chỉ bị trầy xước…
Sau những tai nạn, nhiều lúc nghĩ lại tôi rùng mình. Nhưng đặc thù nghề nghiệp, cũng như bao đồng nghiệp của mình, tôi vẫn cứ miệt mài đi và viết…
Bên cạnh thử thách về lòng dũng cảm, tinh thần vượt khó thì theo tôi, quan trọng hơn còn là thử thách về những cám dỗ của đồng tiền bào mòn giá trị đạo đức…
Có lần, một người bạn hỏi tôi: “Nghĩ sao khi ngày nay có rất nhiều cơ quan, nhiều người ngại tiếp xúc với báo chí?”.
Thú thật, tôi chạnh buồn với câu hỏi của bạn. Kiểu như cảm xúc khi nghe chuyện một phóng viên, cộng tác viên ở một tờ báo nào đó “làm tiền” một doanh nghiệp, dù chẳng quen, chẳng biết nhưng sao tôi vẫn cảm thấy buồn vì danh dự nghề nghiệp bị xúc phạm, bị bôi nhọ.
Trước những “con sâu, làm rầu nồi canh” đây đó vẫn xảy ra trong nghề báo, tôi biết, dù có giải thích hay thanh minh đến thế nào thì cũng khó thay đổi sự “ngại” ấy. Tuy nhiên, với lòng tự trọng nghề nghiệp của mình, tôi thẳng thắn chọn câu trả lời: “Do những người ấy chưa thật sự hiểu về những người làm báo chân chính”.
Câu trả lời của tôi muốn khẳng định với bạn rằng: “Những con sâu” ấy chỉ là số ít, không xứng đáng đứng vào hàng ngũ của những người làm báo; chỉ có những người làm báo chân chính thật sự mới đủ sức vượt qua những thử thách, cám dỗ của nghề, mới thực sự xứng đáng với hai từ “nhà báo”.
Tú Quyên