Thông điệp về quyết tâm đại đoàn kết dân tộc

19/04/2018 07:06

"…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…” là thông điệp trong thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâyku năm 1946, thể hiện tư tưởng, quan điểm, ý chí và quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc trước mọi biến cố của đất nước…

Năm 1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề đoàn kết dân tộc lên hàng đầu để lãnh đạo toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ác liệt. Với tinh thần ấy, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku được tổ chức vào tháng 4/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc

 

Do đất nước đang trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” nên Bác không thể vào dự Đại hội, Bác đã viết thư gửi Đại hội (thư viết ngày 19/4/1946). Dù cách trở khó khăn, nhưng thư Bác đã đến kịp với Đại hội, được đọc lên cho tất cả đại biểu cùng nghe.

Bức thư hết sức gắn gọn, chỉ trên 300 chữ, không chỉ chứa đựng tình cảm chân thành của Bác với đồng bào: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”, mà từng câu chữ trong thư còn là thông điệp sâu sắc thể hiện tư tưởng bao trùm, xuyên suốt của Bác về đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, là lời hiệu triệu, động viên, giục giã đồng bào đoàn kết chặt chẽ để giữ vững quyền tự do, độc lập của đất nước: “…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta…”.

Thư Bác đến với Đại hội đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, là kim chỉ nam, ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho đồng bào. Muôn người như một, ngay sau Đại hội, tuân theo lời dạy của Bác, các đại biểu đã tỏa về tuyên truyền, vận động bà con quyết tâm thực hiện đoàn kết trong buôn làng, đoàn kết Kinh – Thượng để cùng đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ Quốc.      

Tin theo Đảng, theo Bác Hồ, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Tây Nguyên đã trở thành một trong những căn cứ địa của Cách mạng miền Nam. Hàng vạn đồng bào Tây Nguyên đã hăng hái tham gia du kích, xây dựng làng kháng chiến, thoát ly chiến đấu bảo vệ quê hương. Dù đói cơm lạt muối, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, bà con vẫn che chở, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho bộ đội, cho cán bộ người Kinh…

Đất nước hòa bình, thống nhất, với sự quan tâm toàn diện của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, luôn đoàn kết một lòng, sát cánh cùng đồng bào Kinh “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau" đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội…

          Hơn 70 năm qua, bức thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam là di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của đồng bào Tây Nguyên.

Ở tỉnh Kon Tum, các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều treo thư Bác trong nhà rông. Nhiều làng vẫn duy trì đọc thư Bác vào buổi chào cờ đầu tuần và trong các dịp lễ hội của làng để nhắc nhở nhau đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thư Bác cũng được các già làng, người có uy tín và rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nâng niu treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà, vừa để tỏ lòng tôn kính Bác, vừa để nhắc nhở con cháu học tập và làm theo lời Bác.

Bác đã đi xa, nhưng lời căn dặn trong thư Bác về đoàn kết toàn dân tộc luôn được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên khắc cốt ghi tâm. Mặc dù các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, xuyên tạc sự thật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, nhưng lòng đoàn kết của đồng bào các dân tộc Việt Nam cũng “không bao giờ giảm bớt”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn vững niềm tin theo Đảng và Bác Hồ kính yêu.

                                                                             Hoàng Thúy

Chuyên mục khác