Thôn Kon Tum Kơ Pơng: Đường biến thành “đê” - Nông dân thiệt hại nặng

19/10/2020 17:17

Do mưa lũ kéo dài cộng thêm việc đoạn đường thi công cầu số 1 qua sông Đăk Bla không có cống thoát nước đã làm hoa màu ở vùng ô thấp của hàng chục hộ dân thôn Kon Tum Kơ Pơng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) bị ngập úng, không thể thu hoạch kịp, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Hơn 1 tuần qua, nhiều hộ dân trồng gừng, cà phê, mì, bí đỏ… ở vùng ô thấp thôn Kon Tum Kơ Pơng rơi vào cảnh buồn lo, bất lực khi phải chứng kiến hoa màu của mình đang tươi tốt, sắp đến kỳ thu hoạch chìm trong biển nước.

Theo phản ánh của người dân với phóng viên Báo Kon Tum, những năm trước, mỗi khi đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, nước có ngập vào rẫy vườn, nhưng cũng rút khi nước sông hạ xuống. Còn năm nay, nước sông dâng lên, nước ngập vào nhưng không rút đi mà đọng lại thành những ao lớn, gây ngập úng trên diện rộng.

Cũng theo người dân, bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy, đoạn đường thi công đầu cầu số 1 qua sông Đăk Bla do đơn vị thi công của Công ty cổ phần Đầu tư New Sun xây dựng không có thiết kế cống thoát nước; mặt đường cao hơn phần đất trồng hoa màu của người dân, vô hình trung trở thành con đê không cho nước rút ngược ra sông, làm hoa màu của các hộ dân trồng bên tay trái con đường (theo hướng từ phường Thắng Lợi qua cầu) bị ngập úng.

Dẫn tôi đi đến vùng ngập úng, ông A Bưn – Trưởng thôn Kon Tum Kơ Pơng than thở: Bà con trong làng đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương, đề nghị đơn vị thi công dự án cầu số 1 có các giải pháp để mùa mưa lũ không gây ngập úng hoa màu của người dân, nhưng không thấy động tĩnh gì, để bây giờ bà con phải chịu hậu quả nặng nề. Riêng gia đình tôi bị ngập 2 sào cà phê, 4 sào gừng.

Anh Tường bất lức trước 1,5ha gừng, 1ha mì đã bị ngập úng. Ảnh: VT

 

Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất, ông Nguyễn Văn Tường sống tại đường Kơ Pa Kơ Lơng (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) xót xa chia sẻ: “Hơn 1,5ha gừng đến kỳ thu hoạch, 1ha mì đang phát triển tốt giờ đây đã chìm trong biển nước. Nếu theo giá thị trường hiện tại, 1 sào gừng trung bình bán được 30-35 triệu đồng, tính ra, chỉ riêng diện tích trồng gừng, gia đình mất trắng khoảng 500 triệu đồng. Những năm trước đây, đến mùa mưa lũ, gia đình cũng không lo vì nước lên rồi sớm rút. Bây giờ nước ngập hơn một tuần mà vẫn chưa thấy có dấu hiệu rút, mong chính quyền cần có những giải pháp để giải quyết và hỗ trợ người dân kịp thời”.

Ông A Xuân ngậm ngụi trước 4 sào gừng bị ngập úng, nhổ lên mà không bán được. Ảnh: VT

 

Cũng bị ảnh hưởng như ông Tường, ông A Xuân cho biết: Tôi là người địa phương ở đây, chứng kiến cảnh nước lũ dâng lên không rút, gây ngập úng hơn 4 sào gừng, 3,5 sào cà phê của gia đình mà xót xa vô cùng. Vì tiếc công sức chăm sóc bấy lâu, tôi đã huy động người thân trong gia đình xuống nhổ để đưa lên bờ, với hy vọng cứu được chừng nào hay chừng đấy. Tuy nhiên, khi hỏi thương lái, họ lại bảo không thu mua gừng đã bị úng nước, giờ gia đình đành ngậm ngùi chịu mất trắng.

“Tôi đã đoán trước được tình hình này, bởi khi công ty đổ đất làm đường mà không làm cống, chắc chắn sẽ gây ngập úng vào mùa mưa. Người dân chúng tôi nhiều lần kiến nghị với chính quyền mà vẫn không thấy động thái gì” - ông Xuân thở dài.

Dùng hết số tiền trong nhà, vay thêm vốn ngân hàng để trồng 4,5 sào gừng, bà Y Đưck - thôn Kon Tum Kơ Pơng, nhìn tôi với đôi mắt đỏ hoe, nghẹn nói: Vậy là tôi mất trắng rồi, cứ nghĩ sẽ thu hoạch rồi trả hết nợ, bây giờ còn nợ thêm. Nước ngập thế này chắc còn lâu mới rút được, giờ tôi chỉ biết đứng nhìn thôi, mong sao chính quyền có những giải pháp để giúp đỡ người dân.

Ngoài những hộ dân nói trên, còn nhiều diện tích canh tác của các hộ dân ở thôn Kon Tum Kơ Pơng bị ngập úng, mất trắng như hộ ông A Kiung bị ngập 2,5 sào lúa; ông A Đrưng 5 sào lúa, 0,5 sào gừng; ông A Xoa 2 sào cà phê; A Blinh 2 sào cà phê; ông A Lớn 1,5 ha chuối, gừng, cà phê; ông A Cường 3 sào cà phê…

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết: Đoạn đường do Công ty cổ phần Đầu tư New Sun đổ đất, nâng cao hơn phần đất của người dân trồng hoa màu chỉ là đoạn đường làm tạm để vận chuyển vật liệu và không có thiết kế cống thoát nước ban đầu. Khi nước lũ dâng cao, hơn 45ha hoa màu của các hộ dân phía bên trái đường (phường Thắng Lợi) rút chậm khi nước sông hạ xuống gây ngập úng. Còn hoa màu các hộ dân phía bên phải đường (phường Thống Nhất) thì rút theo mực nước sông.

Theo ông Hùng, trước đây tại địa phương chưa có tình trạng ngập úng như thế này trừ cơn bão năm 2009, nên khi công trình thi công, Công ty cùng chính quyền không lường trước được việc năm nay mưa lũ lớn và kéo dài do đó cũng không nghĩ đến việc lắp đặt cống để thoát nước; từ đó mới xảy ra tình trạng ngập úng trên diện rộng như hiện tại.

Trước tình hình trên, UBND phường Thắng Lợi đã báo cáo tình hình thiệt hại với UBND thành phố Kon Tum để có những phương án hỗ trợ cho người dân, đồng thời phường đã đưa ra hai phương án khắc phục. Phương án 1, UBND phường đã chỉ đạo Ban quản lý công trình thi công đào các rãnh mương thoát nước nhưng các hộ dân trồng hoa màu phía bên phải đường (phường Thống Nhất) lại không đồng ý vì sợ nước chảy qua và khiến hoa màu lại bị ngập úng nên chưa thực hiện được. Phương án 2, phường sẽ đào các rãnh mương thoát nước ở phía ngược lại (thuộc địa phận phường Thắng Lợi) để nước chảy trực tiếp ra sông. “Với phương án 2, UBND phường sẽ thỏa thuận các hộ dân có đất và hoa màu nơi đào các rãnh mương với mức đền bù hợp lý để phương án khắc phục được tiến hành càng sớm càng tốt” - ông Hùng nhấn mạnh.

Trước tình trạng thiệt hại nặng nề do hoa màu bị ngập úng trên diện rộng, người dân thôn Kon Tum Kơ Pơng mong muốn chính quyền địa phương cần kịp thời có những giải pháp can thiệp đối với đơn vị thi công công trình cầu số 1 để có hướng giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Thanh Tùng

Chuyên mục khác