Thôn Kon Hra Chót “nóng” tình trạng sinh con thứ 3 trở lên

10/05/2023 13:07

Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đang khá phổ biến ở thôn Kon Hra Chót (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum), dù các cấp, các ngành của thành phố Kon Tum đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

Những năm qua, Trạm Y tế phường Thống Nhất tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội của phường triển khai công tác tuyên truyền vận động về chính sách DS-KHHGĐ với nhiều cách làm cụ thể, nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn. Qua đó, góp phần đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác DS-KHHGĐ của địa phương, bảo đảm theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, tạo điều kiện xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. 

Tuy nhiên, tình trạng một số hộ gia đình tại thôn Kon Hra Chót vẫn sinh con đông, bởi quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ”, sinh con đông cho “vui cửa, vui nhà” vẫn tồn tại trong đời sống cộng đồng. Thực trạng này đang gây cản trở cho việc thực hiện chính sách DSKHHGĐ, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững và sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.   

Sinh đông con gây cản trở đến sự phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Ảnh: B.C

 

Ông A Phiên- Trưởng thôn Kon Hra Chót, cho biết, hiện nay thôn có 358 hộ với trên 2.000 nhân khẩu, trong đó có gần 300 cặp vợ, chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trong những năm qua, trên địa bàn thôn vẫn còn nhiều cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí đến 9-10 con; có những cặp vợ chồng chỉ mới 28- 30 tuổi nhưng đã có tới 6- 7 người con. Điều đáng nói là những cặp vợ chồng có đông con hầu hết là những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên đều đưa ra “muôn vàn lý do” để biện minh, người thì cho rằng do lỡ kế hoạch, người thì bảo gia đình cần lao động, người thì cần có “con trai, con gái”, thậm chí có người nói liều là “trời sinh voi, sinh cỏ”.

Tuy nhiên, nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến cho tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Kon Hra Chót vẫn cao là do nhận thức của người dân về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế, người dân vẫn chưa hiểu được việc sinh nhiều con không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống kinh tế gia đình, mà còn tác động xấu đến đời sống xã hội.

Chị Y N. năm nay mới 27 tuổi nhưng đã có 5 người con và sắp sinh con thứ 6.  Do liên tục sinh nở, mọi gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” cho cả gia đình 8 miệng ăn chỉ do một mình chồng chị gánh vác. Quanh năm hết làm rẫy rồi đi làm thuê, nhưng gia đình anh chị vẫn khó khăn, con cái nheo nhóc.

Thế nhưng, nhiều lần cán bộ dân số đến vận động không nên tiếp tục sinh con vì con đông sẽ càng làm thêm khổ nhưng chồng chị N. không chịu. Chồng chị Y N cho rằng “sinh con nhiều để sau này có lao động việc nhà” và đưa ra những lý do liên quan đến đức tin tín ngưỡng.

“Trong gia đình chồng mình làm không hết việc, con cái nheo nhóc, ăn mặc luộm thuộm, chen chúc trong căn nhà tôn chật chội, nóng bức, nhưng chồng mình cứ vẫn thích đẻ, cho dù nhà đã có đủ con trai, con gái” - chị Y N. cho biết.

Cách nhà chị Y N. chỉ vài bước chân, gia đình chị Y Tâm có đến 10 người con. Khi được hỏi có tiếp tục đẻ nữa không, chị Y Tâm chỉ cười.

Tôi cứ ngỡ việc gia đình chị Y Tâm có 10 người con đã là con số kỷ lục của thôn Kon Hra Chót. Nhưng không, cách đó vài chục mét, gia đình ông A Đum còn có đến 12 người con. 

Theo ông A Phiên, thời gian qua, cán bộ của Trạm Y tế phường Thống Nhất đã phối hợp với Ban nhân dân thôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con không nên sinh con thứ 3 và khi mang thai đến trạm để đăng ký quản lý thai, tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các sản phụ đẻ tại nhà nên có rất nhiều nguy cơ không an toàn thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ và sản phụ.

“Có nhiều nguyên nhân tình trạng sinh con thứ 3, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do trình độ học vấn, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao. Đời sống của nhiều người dân còn nhiều khó khăn; việc tiếp cận, nhận thức về các dịch vụ, cách sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng sinh con thứ 3 cũng thường xảy ra ở các gia đình sinh con một bề, đã sinh 2 con trai hoặc 2 con gái đều muốn sinh thêm để “có nếp có tẻ”- ông A Phiên giải thích.

Thiết nghĩ, để hạn chế những câu chuyện buồn về sinh đẻ không an toàn và tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành của địa phương, người dân cũng cần nâng cao nhận thức trong việc sinh con và thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Từ đó, có thể tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra do đẻ tại nhà và góp phần thực hiện chính sách DS-KHHGĐ một cách hiệu quả. Đó cũng là cách để mỗi gia đình góp phần xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.   

Bảo Châu

Chuyên mục khác