Thời khắc lịch sử hào hùng không thể nào quên

29/04/2019 13:02

Đã 44 năm trôi qua, kể từ ngày quân ta nổ tiếng súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với 5 cánh quân ào ạt tiến vào nội đô Sài Gòn, đập tan sào huyệt cuối cùng của quân địch, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Quyền Đình Phong - Đại tá, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), vẫn không thể nào quên được thời khắc lịch sử hào hùng, khi mà ông cùng đồng đội ôm súng xung phong, chiếm lĩnh Bộ Tổng Tham mưu ngụy…

Tôi tìm đến nhà ông Quyền Đình Phong (ở số nhà 149 đường Trần Phú, thành phố Kon Tum) vào một sáng tháng Tư lịch sử. Ông Quyền Đình Phong năm nay 65 tuổi, mái tóc đã bạc theo thời gian. Không phải lần đầu tiên ông tiếp các nhà báo, bạn bè để hồi nhớ về chuyện cũ; nhưng, cứ nhắc lại những năm tháng ở chiến trường, đôi mắt ông lại dõi xa xăm. Bởi thời khắc khốc liệt ấy chính là bản trường ca hào hùng mà ông và đồng đội của mình đã đem máu xương cùng tuổi thanh xuân đi qua hết đoạn đường của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…

Tháng 6/1974, từ quê hương Định Xá, Bình Lục (nay là thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), ông Quyền Đình Phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10.

Ông Quyền Đình Phong cùng đơn vị mình đã tham gia nhiều trận đánh, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến dịch này, Trung đoàn 66 của Sư đoàn 10 được giao nhiệm vụ làm mũi thọc sâu đánh vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Đêm 28-29/4/1975, Trung đoàn 66 bắt đầu nổ súng đánh vào Ngã tư Bảy Hiền, sáng 29/4 thì toàn Trung đoàn đã tiến vào nội đô thành phố. Khi vào thành phố, ông Quyền Đình Phong chứng kiến cảnh súng ống, quân nhu của tàn quân ngụy vứt bừa bãi trên đường, để chạy tháo thân…

Đúng 8h sáng 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã tiếp cận Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Tại đây, quân ngụy kháng cự ác liệt, nhiều đồng đội của ông Quyền Đình Phong đã ngã xuống trước giờ chiến thắng… Nhưng trước sự tấn công như bão lửa của quân ta, lòng quả cảm của các chiến sĩ Trung đoàn 66 và Trung đoàn 24, đến 9 giờ sáng ngày 30/4, sức kháng cự cuối cùng của quân ngụy tại đây đã bị tê liệt hoàn toàn.

9h30 ngày 30/4, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân ta do các chiến sĩ Trung đoàn 66 cắm, đã tung bay trên nóc dinh lũy Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Ông Quyền Đình Phong bồi hồi nhớ lại: Khi ta chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, cơ quan đầu não chỉ huy của quân đội ngụy, xe ô tô của các sĩ quan vẫn đang còn nổ máy, bọn chúng bỏ chạy không kịp tắt máy xe. Lúc đó chúng tôi ai cũng xúc động, một cảm xúc dâng trào rất khó tả vì biết rằng đến đây là kết thúc chiến tranh rồi, ngày chiến thắng hoàn toàn đây rồi. Nhất là khi thấy chiến sĩ mình trèo lên cắm cờ giải phóng trên nóc nhà của Bộ Tổng Tham mưu ngụy, ai cũng bật khóc vì xúc động…

44 năm trôi qua, thời gian không làm phai mờ trong tâm trí ông Quyền Đình Phong thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc. Thời khắc mà ông và những đồng đội của ông đã không tiếc máu xương để giành lấy; thời khắc mà trước giờ chiến thắng, nhiều đồng đội của ông vẫn ngã xuống, không chứng kiến được giờ phút chiến thắng vinh quang; thời khắc như một vết son chói lọi mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc …

Chia tay ông Quyền Đình Phong, tôi cứ nhớ mãi lời ông nói: Hôm tôi ra miền Bắc gặp lại những đồng đội nhập ngũ cùng thời với tôi, hồi ấy có hơn 300 người, bây giờ đếm lại chỉ còn hơn 100… Tiểu đội của tôi giờ chỉ còn tôi và một anh ở mãi Cao Bằng, tất cả đã hy sinh…

Ông Quyền Đình Phong tại nhà riêng của mình. Ảnh DĐN

 

  Dương Đức Nhuận

 

Chuyên mục khác