Thời khắc không thể nào quên

10/02/2018 07:29

50 năm đã trôi qua, nhưng ông Nguyễn Trung Quế - cựu chiến binh Tiểu đoàn 304 vẫn không thể nào quên được thời khắc hào hùng mà ông cùng đồng đội tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử này…

Không khó lắm, chúng tôi tìm được căn nhà số 426 Phạm Văn Đồng, thành phố Kon Tum, nơi ông Nguyễn Trung Quế sinh sống. Do có hẹn trước nên ông bỏ dở ván cờ tướng cùng người bạn già để tiếp chuyện chúng tôi.

Nhà chỉ còn có hai ông bà. Các con ông đều đã trưởng thành, lập gia đình và ra ở riêng. “Nhiều lúc ở nhà cũng buồn, làm mấy ván cờ tướng cho khuây khỏa”- Ông Quế cười, nói với tôi như vậy.

Ông Nguyễn Trung Quế với quyển nhật ký của mình

 

Sau khi rót nước mời khách, ông Quế vào nhà trong một lúc rồi quay ra. Trên tay ông là quyển nhật ký đã ố vàng theo năm tháng. Ông cẩn thận giở từng trang, một lát ông ồ lên: “Đây rồi”.

Theo tay ông chỉ, tôi thấy tại một góc trang gần cuối nhật ký có ghi dòng chữ: “Mậu Thân 1968, ngày 30/1= 29/12 (tức là 30/1/1968 nhằm ngày 29 tháng Chạp - PV)”.

Trang giấy chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Trong khu rừng hôm nay sao rộn rịp đến thế. Nét mặt ai cũng vui vẻ sau khi đọc mật lệnh của Bộ chỉ huy… Tôi cũng quyết tâm và chỉ lương tâm tôi biết dù chết sống cũng không chần chừ, dù có hy sinh đi thì cha mẹ của tôi đã đóng góp một đứa con trong khi toàn miền Nam toàn khởi - không gì quý bằng độc lập và tự do. Tôi sẵn sàng chiều nay”.

Và, ông say sưa kể cho chúng tôi về quãng đời trai trẻ của mình và về những gì diễn ra trong trận đánh ác liệt của chiến dịch Mậu Thân 1968 tại thành phố Kon Tum…

…Ông Nguyễn Trung Quế sinh năm 1942 tại Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1962, nghe theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt và nhịp đập của con tim đầy nhiệt huyết, ông Quế tòng quân đi bộ đội.

Năm 1963, ông Quế đã có mặt tại Mường Hoong - Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) và được phiên chế vào Tiểu đoàn 304 (Tỉnh đội Kon Tum bấy giờ).

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Trung Quế đảm nhiệm chức vụ Trung đội phó trinh sát thuộc Tiểu đoàn 304. Trung đội của ông Quế được giao nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường để bộ đội ta tấn công vào sân bay Kon Tum khi đến giờ nổ súng.

Nhận được nhiệm vụ, cách đó hơn 10 ngày trước khi giờ nổ súng diễn ra, trung đội trinh sát do ông Quế chỉ huy đã bắt đầu tiến nhập trinh sát địa hình, ghi chép cẩn thận từng mô đất, hàng rào, hỏa lực địch tại khu vực sân bay, để quân ta dễ dàng đột nhập khi tiến công.

Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 304 khi ấy là xuất phát từ hướng đông bắc thị xã đánh vào sân bay Kon Tum, sau đó phối hợp với các đơn vị tấn công vào trung tâm thị xã.

Từ 5h chiều ngày 30 tháng Chạp, tổ trinh sát của ông Nguyễn Trung Quế đã đưa bộ đội vào tập kết. 10h đêm đã tiếp cận được hàng rào quanh sân bay.

Lúc này, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 304 đã luồn sâu vào bên trong đặt bộc phá ở 12 lớp hàng rào, chờ giờ G khai hỏa. Sau khi đặt xong bộc phá, tổ ông Quế rút ra an toàn tại Sở Chỉ huy Tiểu đoàn cách đó vài trăm mét.

Hiệu lệnh nổ súng giờ G tại Kon Tum là 5 khẩu pháo tầm xa của Trung đoàn 24 đặt tại đồi Kon Rốc bắn vào biệt khu 24.

Đúng giờ G (0 giờ), 5 khẩu pháo bắn cấp tập vào biệt khu 24. Lập tức các cánh quân ta đồng loạt nổ súng, tiếng bộc phá nổ vang trời, phá tan những lớp rào kẽm gai tại sân bay, lửa đạn sáng rực một góc trời. Quân ta ào ạt tiến công, vừa tiến công vừa nổ súng vào các ụ hỏa lực địch.

Từ 1h đến 5h sáng 31/1, tức ngày Mùng 1 Tết Mậu Thân, tiếng súng AK, lựu đạn, B40 nổ giòn giã. Quân địch chỉ chống trả yếu ớt, nhưng bộ đội ta cũng gặp nhiều thương vong. Lúc này, ông Quế được lệnh đưa 1 trung đội lên bảo vệ Sở Chỉ huy Tỉnh đội.

10h sáng, địch dùng xe tăng, thiết giáp cùng các đơn vị bộ binh phản kích ác liệt vào khu vực sân bay. 17h, quân ta được lệnh rút để bảo toàn lực lượng. Nhưng nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn 304 đã không thể nào liên lạc được. Các chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường đầy lửa đạn…

Khi kể cho tôi nghe đến những giây phút mà đồng đội ngã xuống, đôi mắt của ông Nguyễn Trung Quế đỏ hoe. Tôi hiểu những tình cảm ông dành cho những đồng đội đã ngã xuống. Và, có lẽ trong lòng ông lúc nào cũng quay quắt nhớ thương những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh vì hòa bình, vì tự do, độc lập cho Tổ quốc hôm nay…

Ngày thống nhất đất nước, ông Quế đưa vợ con trở lại quê nhà ở Diễn Châu, Nghệ An công tác và sinh sống.

Năm 1993, ông Quế quyết định đưa vợ con trở lại Kon Tum, nơi ông đã sống và chiến đấu để định cư lâu dài. Bởi theo ông, ở Kon Tum, ông mới có dịp đi tìm lại những đồng đội đã ngã xuống, để thắp cho họ một nén hương với lòng tri ân sâu sắc…

Về lại Kon Tum - nơi chiến trường xưa cùng đồng đội chiến đấu, ông như được sống lại với ký ức một thời tuổi trẻ hào hùng. Vừa công tác, vừa nuôi dạy 4 người con với đồng lương ít ỏi, nhưng ông vẫn tự hào bởi ông đã đi qua những thời khắc hào hùng nhất của lịch sử dân tộc. Các con ông được ăn học đàng hoàng. Hiện họ cũng đang giữ nhiều cương vị trên các mặt công tác khác nhau, để tiếp tục cống hiến sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu…

Bài và ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác