Thoát nghèo bền vững

11/07/2023 13:20

Có lúc, câu chuyện thoát nghèo của gia đình A Tin cho tôi cảm giác mới xem một bộ phim ngắn, vui có buồn có. Điều quan trọng là cái kết của “bộ phim” có hậu.

Sáng cuối tuần, tôi khá bất ngờ khi gặp lại A Tin tại thành phố Kon Tum. Nhưng càng bất ngờ hơn khi cậu ta còn nhớ mình, gọi đúng tên. Thậm chí vẫn còn gọi kèm nghề nghiệp.

Và vui nữa. Trước mắt tôi đâu còn là một gã đàn ông lôi thôi, nhàu nhĩ, trong người lúc nào cũng có rượu nữa. Hoạt bát và tự tin, cuộc trò chuyện cho tôi thấy một A Tin như thế.

Ngồi uống cà phê bên bờ kè, tôi hỏi chuyện cuộc sống hiện nay. A Tin cười: Khác rồi. Cuộc sống nay khá hơn nhiều. Đã làm được nhà mới, mua tivi, tủ lạnh, xe máy. Không riêng gì nhà em, mà nhiều hộ nghèo khác nữa.

Có lúc, câu chuyện thoát nghèo của anh A Tin cho tôi cảm giác mới xem một bộ phim ngắn kết thúc có hậu.

Tôi biết A Tin từ cuối năm 2014, trong một chuyến đi khảo sát thực tế triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh tại huyện Kon Plông. Cán bộ xã dẫn đi gặp một số hộ nghèo được lựa chọn tham gia đề án, trong đó có A Tin.

Nhìn căn nhà lụp xụp, bốn phía trống hoác, bầy con nheo nhóc, bám lấy chân gã đàn ông nhàu nhĩ, mắt lờ đờ vì rượu, tôi bỗng lo lắng. Liệu có ổn không khi chọn gia đình này để hỗ trợ trồng cà phê xứ lạnh?

Trước khi tham gia Đề án Hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, gia đình A tin đã từng thoát nghèo, rồi lại tái nghèo.

Khi ấy, thông qua kênh hội nông dân, A Tin được vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để nuôi bò sinh sản.

Hỗ trợ hộ mới thoát nghèo vươn lên để đảm bảo giảm nghèo bền vững. Ảnh: T.H

 

Sau 3 năm, đã có đàn bò 4 con, A Tin bán bớt để trả hết nợ ngân hàng. Thêm nguồn thu từ mì, lúa nước, cuộc sống dần cũng tạm ổn, không còn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai như trước đây.

Thế là gia đình A Tin được công nhận thoát nghèo. Khi ấy, vui thì có vui, vì không còn “chịu tiếng” hộ nghèo, nhưng trên thực tế đời sống của gia đình anh không khác hơn trước là mấy, vẫn chật vật lắm.

Bản thân A Tin cũng nhận thấy chưa thật sự bền vững. Vợ chồng anh cũng muốn tiếp tục vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Nhưng chưa kịp vay vốn thì đàn bò bị dịch lở mồm long móng, phải tiêu hủy. Vậy là… tái nghèo.

Vậy sau đó thế nào? Tôi lo lắng hỏi.

Sau đó, em tham gia Đề án Hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, được hỗ trợ trồng 6 sào cà phê. Rồi tiếp tục được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh dành cho hộ cận nghèo. Với nguồn vốn ấy, em đã đầu tư thêm cho chăn nuôi bò; đào ao nuôi cá. Khi có nguồn thu từ cà phê, bò, em trả nợ, đầu tư mua thêm đất mở rộng diện tích cà phê- A Tin phấn khởi nói. 

Với hơn 1ha cà phê đang cho thu hoạch, đàn bò hơn 10 con, gần 1000m2 ao cá, vợ chồng, con cái luôn bận tíu tít. Bận nhưng vui. Vui vì đã thoát nghèo bền vững! Cũng chưa giàu, nhưng cũng có thể nói là khá giả.

Nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước thì dù vợ chồng em có quyết tâm đến mấy cũng không thể có được cuộc sống như hôm nay- A Tin chia sẻ.

Trên thực tế, tại nhiều thôn, làng ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng DTTS, chúng ta có thể thấy nhiều ví dụ về việc hộ mới thoát nghèo “tụt hạng”, trở thành hộ nghèo chỉ sau… một đêm.

Bởi những gia đình mới thoát nghèo thường không có tiềm lực về kinh tế, thiếu vốn sản xuất. Cũng là nhóm dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng mạnh từ những biến động giá cả, thiên tai, môi trường và dịch bệnh.

Như gia đình A Huy ở cùng làng với A Tin, có một con bò và mấy sào ruộng rẫy, nên cuối năm 2021 được xếp vào diện thoát nghèo. Giữa năm, con bò mắc bệnh chết, chưa kịp vay vốn mua con bò mới về nuôi thì bão số 4 (tháng 9/2022) ập tới, cuốn trôi nhà cửa, ruộng lúa cũng mất trắng, thế là lại thành hộ nghèo.

Tất nhiên là không thể nhìn nhận bức tranh toàn cảnh thông qua một vài cá nhân. Nhưng từ câu chuyện của A Tin, A Huy cũng cho chúng ta thấy rằng, thoát nghèo bền vững chưa bao giờ dễ dàng.

Và để giảm nghèo bền vững, không chỉ hộ nghèo, mà các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước.

Trong đó, trước mắt cần triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế cho các hộ mới thoát nghèo, cận nghèo nhằm giúp họ vượt qua hẳn ngưỡng nghèo. Có chính sách tín dụng ưu đãi để họ mạnh dạn đầu tư cho sản xuất.

Có chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ lao động thuộc hộ cận nghèo đi xuất khẩu lao động, từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống của bản thân và gia đình.

Các chương trình khuyến nông cũng cần triển khai hiệu quả hơn, sát thực tế hơn, từ đó thúc đẩy thay đổi cách sử dụng đất nông nghiệp cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, từ trồng lúa, bắp sang các cây lâu năm và hàng năm có lợi nhuận cao hơn.

Về lâu dài, Nhà nước tiếp tục tăng nguồn vốn đầu tư công cho hệ thống tưới tiêu và các cơ sở hạ tầng khác cho khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Tăng cường quyền sử dụng đất thông qua cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiếp cận tín dụng (sử dụng đất làm thế chấp) và giúp người nghèo đầu tư vào những cây trồng có lợi nhuận hơn nhưng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao hơn.

Trước khi chia tay, A Tin chợt nói: Nhà A Huy cũng vậy. Không chỉ thoát nghèo mà còn khá giả rồi anh ạ!

Thành Hưng

Chuyên mục khác