Thiếu giáo viên dạy nghề đứng lớp

26/01/2018 10:05

​Năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 7 huyện tiến hành sáp nhập các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề địa phương thành các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện tại, 7 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện dần đi vào ổn định và hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều khó khăn cần tháo gỡ, đó là đội ngũ giáo viên dạy nghề vẫn thiếu, chưa đáp ứng tốt cho công tác tuyển sinh, đào tạo nghề địa phương.

Năm 2015, Thông tư Liên tịch số 39 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) có hiệu lực thi hành trên toàn quốc. Theo đó, năm 2016, tỉnh ta đã tiến hành sáp nhập các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề trên địa bàn 7 huyện thành Trung tâm GDNN-GDTX, cụ thể huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy. Riêng huyện Kon Plông thành lập Trung tâm GDNN Nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, các đơn vị dần ổn định công tác tổ chức bộ máy, triển khai các nhiệm vụ tuyển sinh được giao. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và làm việc với lãnh đạo một số đơn vị vẫn còn khó khăn với công tác giáo dục nghề do thiếu giáo viên đứng lớp.

Giáo viên Trung Tâm GDNN-GDTX huyện Sa Thầy tham gia dạy, nghiệm thu sản phẩm của lớp học nghề chổi đót tại địa phương. Ảnh: M.T

 

Bà Y Bình - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Năm 2016, sau khi đơn vị được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập các trung tâm giáo dục và dạy nghề địa phương, đội ngũ cán bộ quản lý và công chức, người lao động còn 10 người. Trong đó, cán bộ quản lý 3 người, công tác hành chính tổ chức 3, còn lại giáo viên giáo dục phổ thông 3 người và dạy nghề 1 người.

Theo bà Bình, việc thiếu giáo viên dạy văn hóa, nhà trường có thể liên hệ với các trường trung học phổ thông trên địa bàn để hợp đồng theo năm học có phần thuận lợi. Nhưng khó khăn thiếu giáo viên dạy nghề, đơn vị phải đi lại nhiều lần để trao đổi, tìm đối tác là các trường dạy nghề, trung tâm GDNN-GDTX các huyện lân cận, hoặc thành phố Kon Tum ký kết hợp đồng.

Hơn nữa, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngọc Hồi nêu khó, khi quá trình làm việc với các Trung tâm khác thống nhất hợp đồng dạy nghề xong, đơn vị phải cử cán bộ đi lại nhiều lần trao đổi, thống nhất thêm việc sắp xếp thời gian dạy và học nghề của giáo viên hợp đồng và học viên phải phù hợp. Mặt khác, thời gian cán bộ hợp đồng đào tạo nghề nơi khác đến, Trung tâm cũng phải sắp xếp thời gian biểu đứng lớp của giáo viên và học viên, để không ảnh hưởng vào mùa vụ sản xuất của người học nghề. Điều này ảnh hưởng đến công tác chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm của đơn vị.

Khó khăn hơn Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngọc Hồi, tại huyện Sa Thầy, ông Nguyễn Đăng Sao - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện cho biết, đơn vị có 5 biên chế. Trong đó, 1 giám đốc, 1 cán bộ phó quản lý chuyên môn và kiêm luôn nhiệm vụ giáo dục nghề, còn lại 2 giáo viên dạy văn hóa. Thời gian dài (6-9 tháng) trong năm, đơn vị tổ chức các lớp học nghề ở xã, thôn theo chỉ tiêu được duyệt. Cán bộ cấp phó của đơn vị cũng đứng lớp dạy nghề, hoặc tham gia đa phần quản lý các lớp học nghề ở cơ sở; những phần việc còn lại, giám đốc đơn vị phải tự phục vụ. “Theo chỉ tiêu giao đào tạo nghề đối với lĩnh vực mà Trung tâm không có chuyên môn, đơn vị phải tìm hiểu, ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài về dạy nghề. Các lớp học phổ thông, đơn vị cũng phải ký hợp đồng với giáo viên các trường trên địa bàn huyện”, ông Sao nói

Ông Trần Văn Thịnh - Phó trưởng Phòng nghề (thuộc Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội) thông tin, sau 2 năm sáp nhập thành Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, khó khăn chung là thiếu giáo viên đảm nhiệm công tác đào tạo nghề, dẫn đến chưa đáp ứng tốt tuyển sinh, đào tạo liên quan. Theo ông Thịnh, các huyện khác cũng không khá hơn như Đăk Glei và Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Tô có 5-7 biên chế giáo viên, song phần lớn đều có chuyên môn dạy văn hóa, còn lại 1 - 2 người có chuyên môn đào tạo nghề.

Các đơn vị GDNN-GDTX đều kiến nghị cho rằng, vấn đề nguồn lực dạy nghề thiếu, Trung tâm cố gắng tìm kiếm, ký kết hợp đồng đối với các trung tâm, trường dạy nghề có giáo viên đạt trình độ, chuyên môn tốt. Nhưng muốn làm được điều này, giải pháp trước mắt, kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề phải được các sở, ngành và UBND huyện, tỉnh phân bổ sớm hàng năm vào quý 1, để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chủ động ký hợp đồng với các trường cao đẳng, dạy nghề.

Về lâu dài, các Trung tâm mong muốn ngành chức năng, UBND tỉnh điều động giáo viên dạy nghề còn dôi dư ở các đơn vị mới sáp nhập cấp tỉnh về địa phương, nhằm ổn định và đáp ứng hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Đối với các giáo viên dạy văn hóa (thuộc Trung tâm GDNN-GDTT) có thể hỗ trợ kinh phí học văn bằng đại học trở lên phù hợp với nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp ở một số lĩnh vực nghề như chăn nuôi - trồng trọt, hoặc nghề cơ khí - kỹ thuật… để tăng thêm nguồn thu nhập, tăng số giáo viên dạy nghề đang thiếu hiện nay.

Mai Trâm

Chuyên mục khác