Thiếu bác sĩ tuyến cơ sở

06/04/2024 06:18

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay toàn tỉnh có 539 bác sĩ, công tác ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã. Tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là ở vùng đồng bào DTTS đang diễn ra, và có chiều hướng gia tăng trong những năm tiếp theo.

Thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở

Huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương xảy ra tình trạng thiếu bác sĩ khá nghiêm trọng. Dù chỉ tiêu năm 2023 của địa phương này là có 32 bác sĩ để đảm bảo tỷ lệ 10,5 bác sĩ/10.000 dân, nhưng hiện chỉ có 17 bác sĩ.

Chính vì không đủ chỉ tiêu, nên việc phân bổ bác sĩ về các trạm y tế  gặp nhiều khó khăn. Đến nay, huyện Kon Rẫy chỉ có 3 trong tổng số 6 trạm y tế cấp xã có bác sĩ.

Trạm Y tế xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) có 6 cán bộ, trong đó có 2 y sĩ đa khoa, 2 điều dưỡng và không có bác sĩ. Trạm trưởng Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết, trước đây, trạm có một bác sĩ, tuy nhiên, do yêu cầu công việc, cộng thêm thiếu bác sĩ ở tuyến huyện, nên bác sĩ này được điều đến làm việc tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đăk Rve từ tháng 1/2024.

Huyện Kon Rẫy hiện chỉ có 17 bác sĩ, trong khi chỉ tiêu và nhu cầu là 32 bác sĩ. Ảnh: PL

 

“Vì không có bác sĩ nên một số trang, thiết bị cần đến chuyên môn của bác sĩ như siêu âm, điện tim không thể thực hiện được. Những trường hợp nặng thì trạm buộc phải chuyển tuyến để bệnh nhân được thực hiện các dịch vụ cao hơn. Nếu có bác sĩ thì có những ca bệnh nặng sẽ không phải đi lại nhiều”- bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Luận- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cho biết, từ năm 2020 đến nay, huyện Kon Rẫy đều không đủ số lượng bác sĩ theo chỉ tiêu biên chế giao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu đào tạo theo địa chỉ và đào tạo theo cử tuyển trên địa bàn huyện những năm gần đây không có. Trong khi đó, các bác sĩ theo học tại các trường đại học sau khi tốt nghiệp lại không có nguyện vọng về làm việc tại tuyến huyện.

Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, đã có 7 bác sĩ tại huyện Kon Rẫy xin nghỉ việc, nhưng huyện lại không bổ sung được thêm.

Thiếu bác sĩ khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thêm một số dịch vụ khám, chữa bệnh đòi hỏi chuyên môn; thiếu nhân lực làm việc ở các khoa, phòng, áp lực công việc dồn lên đội ngũ bác sĩ hiện có. Họ phải chia sẻ công việc, trực 24/24, khám chữa bệnh tại bệnh viện và tại tuyến xã- bác sĩ Nguyễn Luận thông tin.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Trần Ái- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 539 bác sĩ, được phân bổ tại tuyến tỉnh 294 bác sĩ, tuyến huyện 146 bác sĩ và tuyến xã 99 bác sĩ. Hiện nay, tỉnh cần khoảng 100 bác sĩ để đảm bảo tỷ lệ 10,5 – 11 bác sĩ/10.000 dân.

Công tác tuyển dụng bác sĩ vào làm việc tại tuyến huyện, tuyến xã gặp nhiều khó khăn vì không có bác sĩ đa khoa được đào tạo chính quy nộp hồ sơ dự tuyển viên chức. Đơn cử như đợt tuyển dụng viên chức năm 2023, chỉ tiêu tuyển dụng bác sĩ của tỉnh là 108, nhưng lại chỉ tuyển dụng được 23 bác sĩ đa khoa và 6 bác sĩ dự phòng- bác sĩ Trần Ái cho hay.

Cần có cơ chế đặc thù

Thực tế hiện nay, việc tuyển dụng được bác sĩ đến làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, y tế ở cơ sở có phần hạn chế về chuyên môn. Trong khi đó việc đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của các y, bác sĩ tuyến cơ sở lại gặp trở ngại lớn do cơ chế đào tạo.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Ái cho rằng, hiện nay, năng lực của đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, thiếu bác sĩ có trình độ chuyên khoa dẫn đến việc triển khai các dịch vụ, kỹ thuật khám, chữa bệnh theo phân tuyến của Bộ Y tế chưa đạt yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của trung tâm y tế tuyến huyện còn gặp khó khăn, nên việc cử cán bộ đi học tập và chuyển giao kỹ thuật còn nhiều hạn chế.

Trạm Y tế xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) hiện không có bác sĩ. Ảnh: P.L

 

Còn bác sĩ Nguyễn Luận- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy phân tích, muốn có bác sĩ đi học các chuyên khoa, dịch vụ khác thì đòi hỏi phải có trình độ sau đại học, mà nguồn nhân lực không có cũng gây khó khăn cho Trung tâm trong việc cử nhân lực đi đào tạo.

Khó khăn nữa là không thu hút được thêm bác sĩ, cũng không động viên được các cán bộ đi đào tạo, vì hiện nay Nhà nước không có chính sách hỗ trợ cho các bác sĩ đi học, ngành đặc thù nên chi phí học rất cao. Một số cán bộ muốn đi học chuyên tu nhưng lại không có điều kiện để đi học lên, bởi công việc nhiều, cộng với kinh phí học tập cao, nếu Nhà nước không có hỗ trợ thêm mà để cho tự cá nhân xoay xở thì rất khó khăn.

Còn Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Lập Nguyễn Thị Thanh Tuyền mong muốn: Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh và các cấp, các ngành có định hướng phát triển số lượng bác sĩ để bổ sung cho các cơ sở y tế tuyến xã, đặc biệt là vùng sâu.

Được biết, Sở Y tế đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, tạo điều kiện cơ bản cho các bác sĩ để thu hút nguồn nhân lực; tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bác sĩ ở tuyến cơ sở. Đặc biệt, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tìm kiếm nguồn bác sĩ cử tuyển tại chỗ.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế đặc thù để đào tạo bác sĩ tại chỗ, giúp tỉnh khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ tuyến cơ sở như hiện nay, cũng như về lâu dài. 

Phù Lưu

Chuyên mục khác