02/09/2020 05:43
Ông cụ ngồi bên bậc thềm, kể chuyện xưa, xung quanh là mấy đứa cháu háo hức lắng nghe. Đó, tụi bay coi, có ở nước mô mà người dân gọi ngày Quốc khánh là Tết không? Mấy đứa ngơ ngác nhìn nhau. Có không nhỉ? Ông bật cười: không có mô. Chỉ có nước ta thôi, ngày Quốc khánh thiêng liêng như Tết, à mà không, còn có giá trị và ý nghĩa hơn cả Tết.
Bà đang lập cập quét sân, dừng chổi quay vô: “Mấy chuyện đó ông kể muốn thuộc lòng rồi mà vẫn ngồi nghe, mấy đứa không thấy ngán à?”. Nói là vậy, nhưng bà lại giục: Kể tiếp hồi ông chạy theo mấy chú mấy bác ra đình làng treo cờ coi.
Hình ảnh ấy đã lâu lắm rồi, nhưng được tôi xếp riêng vào một góc ký ức, cứ mỗi dịp Tết Độc lập 2/9 lại “mở ra” mà nhớ, mà thương, mà bùi ngùi nhớ về ông nội đã thành người thiên cổ từ khi tôi chưa vào cấp ba. Hồi còn sống, ông nội thương tôi nhất. Tôi cũng thương ông nội, suốt ngày quấn quít bên ông. Công việc của tôi là nấu cơm, quét dọn nhà cửa, sau đó ngồi nghe ông nội kể chuyện xưa, nghe bà nội kể chuyện còn xưa hơn nữa.
|
|
Khi ông mất, làng, xã vắng một người già còn nhớ tường tận về ngày cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, về Tết Độc lập đầu tiên; mấy ông nhà báo dưới tỉnh thường về làng tìm ông tiếc đứt ruột một “nhân chứng sống” có lối kể chuyện dí dỏm mà chân thật, hấp dẫn.
Cũng chính ông nội đã truyền cho tôi cảm xúc thiêng liêng đặc biệt về Tết Độc lập từ những ngày thơ ấu. Ngày ấy, quê tôi ăn Tết Độc lập to chẳng khác gì Tết Nguyên đán!
Các cụ thường nói, Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, thiêng liêng nhất đối với người Việt ta, bởi chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa dân tộc, vừa sâu sắc lại vừa độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và đất trời.
Vậy nên, khi gọi ngày Quốc khánh 2/9 là Tết Độc lập, tức là thiêng liêng như ngày tết cổ truyền vậy.
Còn ông nội tôi nói rằng, vốn cụm từ “Tết Độc lập” là dành riêng cho Tết Bính Tuất 1946, một cái Tết Nguyên đán đầu tiên ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công. Kể từ ngày đó, Tết Độc lập được nhân dân ta sử dụng trong dịp mừng Quốc khánh hằng năm. Đối với người dân Việt Nam, ngày Quốc khánh 2/9 còn mang ý nghĩa và giá trị lớn hơn cả Tết Nguyên đán, bởi đó là ngày ghi nhận mọi người dân được nhận lấy tất thảy giá trị làm người thiêng liêng, cao cả của mình.
Nhắc chuyện cũ, tôi lại như thấy mình đang cùng bạn bè xúng xính áo mới trên con đường làng khấp khểnh vết chân trâu đón Tết Độc lập.
Để đón Tết Độc lập, người dân quê tôi phải rục rịch chuẩn bị cả tháng trời. Cũng không phải là hoang phí gì, mà vì cuộc sống còn khó khăn quá, để có ngày tết tươm tất một tý phải lo dành dụm, chắt chiu từng thứ.
|
Thật ra cũng chỉ là cá dưới ao làng được mấy anh thanh niên kéo lên, mấy bà, mấy mẹ đem chia cho từng nhà (gia đình thương binh, liệt sỹ hay có con em đang đi bộ đội sẽ được chia phần nhiều hơn). Mấy nhà sẽ chung một con lợn, chia nhau ăn tết. Rồi làm bánh, làm bún- thứ bún được làm bằng gạo chiêm, sợi dai dai, mềm mềm, trong vắt, đổ thành từng miếng tròn như miệng bát ăn cơm, ăn với riêu cua đồng thì tuyệt.
Náo nức nhất vẫn là đám trẻ con. Hết lăng xăng chạy xem chia cá, bùn dính đầy người, lại xục xạo ở mấy lò bún trong làng đang hoạt động hết công suất; rồi chí chóe giành nhau cây chổi tre ra quét đường cùng mấy anh chị lớn. Đến đoạn cắm cờ trên đường làng thì thôi rồi, có làm gì cũng vứt đó, phóng theo cái thằng to khỏe nhất làng đang vác cây cờ đỏ rực chạy trên đường kia mà hò reo vỡ cả giọng.
Mà đâu chỉ có tụi nó, người lớn cũng náo nức không kém. Năm nào đến Tết Độc lập 2/9, khi mà cờ dựng đỏ chói ở UBND xã và dọc những con đường làng, thể nào xã cũng cử người rước mấy cụ lão thành lại ủy ban dự lễ, ôn lại chuyện cũ. Ông nội cũng được mời, và thường dẫn tôi đi. Ở đó có những câu chuyện mà các cụ cất vào tim, vào máu, buổi sáng nhớ, buổi chiều nhớ, buổi tối cũng nhớ.
Tôi dần trưởng thành. Cuộc sống đẩy đưa, tôi tiếp tục đón những cái Tết Độc Lập của đất nước tiếp theo trong cuộc đời mình trên quê hương mới với nhiều sắc thái khác nhau. Từ Tết Độc Lập ấm cúng trong con hẻm nhỏ với dăm ba gia đình xóm giềng; cùng chung cang rượu ghè thơm nức với dân làng Tân Rát nằm lưng chừng núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ…, đến quây quần bên đống lửa nướng cá cùng các chiến sĩ biên phòng giữa rừng già giáp biên giới Việt – Lào mà tâm hồn bay bổng về những con phố rực rỡ cờ hoa.
Nhưng lần đón Tết Độc Lập với bà con Thái, Mường nơi miền biên viễn Ia H’Drai vẫn để lại ấn tượng hơn cả.
Sẽ rất bất ngờ đối với những ai lần đầu tiên đặt chân đến nơi “đầu sông đầu suối” Ia H’Drai vào đúng dịp đón Quốc khánh 2/9, bởi họ sẽ được hòa vào không khí đón Tết Độc lập vô cùng đặc biệt. Bất cứ khu dân cư nào ở đây đều đỏ rực màu cờ Tổ quốc.
Đối với những hộ gia đình Thái, Mường nơi đây, Tết Độc Lập được trông đợi nhất trong năm, mang ý nghĩa thiêng liêng lắm, như là kéo dài niềm vui từ các thế hệ trước về ngày đất nước ta, dân tộc ta trở thành đất nước độc lập, dân tộc ta bẻ gãy gông cùm nô lệ.
Theo lời kể của các bậc cao niên, ngay từ khi mới chỉ có mấy hộ gia đình lặn lội vào đây, bà con đã ăn Tết Độc Lập rồi, dù đơn sơ thôi, như bảo nhau treo cờ Tổ quốc, tập trung ăn với nhau bữa cơm thân mật, cùng ngồi nói chuyện về quê hương, kể cho nhau nghe về gia đình, động viên nhau vượt qua khó khăn…
Bây giờ đời sống khá hơn, Tết Độc lập cũng vì thế mà rộn rã hơn. Nhà nào cũng tạm gác việc ruộng rẫy lại để dọn dẹp nhà cửa đón Tết Độc lập. Mấy chị rủ nhau đi nghiền bột về làm bánh nếp; mua sắm quần áo mới, dép mới cho con đi chơi tết.
Vào đúng ngày 2/9, một nghi thức không thể thiếu là sửa soạn mâm cơm cúng Bác Hồ và mâm cơm cúng tổ tiên. Bà con tiến hành công việc này rất chu đáo, các món ăn dâng cúng tổ tiên trong dịp này là các món ăn truyền thống, chủ yếu được chế từ gà, vịt, heo... Đặc biệt trong những ngày này, nhiều gia đình còn gói và nấu các loại bánh đặc trưng của dân tộc mình như bánh chưng dài và bánh rợm..., không chỉ dâng cúng tổ tiên mà còn để tiếp đãi và làm quà cho khách đến chơi nhà.
Sau khi chuẩn bị chu đáo các món ăn và bánh truyền thống, chủ nhà làm lễ dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết Độc lập và chia vui cùng con cháu. Sau đó sẽ dọn mâm cỗ mời anh em, con cháu trong nhà và tiếp đãi khách. Vui nhất là có khách xa tới chơi, ngay cả những người không hề quen biết cũng được bà con nhiệt tình mời về nhà uống rượu- thứ rượu gạo sóng sánh được chưng cất theo đúng phương pháp truyền thống của người Thái, người Mường.
Rồi mọi người cùng nhau đi thăm hỏi, chúc tết từng nhà. Nhà nào cũng chuẩn bị con gà, can rượu, bánh trái để đón khách. Từ nhà này, kéo sang nhà khác. Chiều đến thi đấu thể thao; tối lại tổ chức vui văn nghệ, hát các bài hát về quê hương, đất nước…
Điều đặc biệt nhất khi đến Ia H’Drai trong dịp này, ta sẽ gặp các bạn Campuchia từ bên kia biên giới cùng đến chung vui trong ngày Tết Độc lập. Họ mang những món quà giản dị, những lời chúc tốt đẹp, những điệu múa, lời ca say đắm lòng người và chan chứa tình anh em hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Tiếng chị hàng xóm giục giã chồng treo cờ cắt đứt dòng suy nghĩ miên man. Tôi trang trọng đem lá cờ Tổ quốc ra treo trước cổng nhà. Dọc con hẻm, những lá cờ khác cũng bắt đầu tung bay, đỏ rực trong gió thu.
Tết Độc lập đã về!
HỒNG LAM