06/04/2025 13:30
Lịch sử của dân tộc được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao to lớn của các Vua Hùng trong việc khai sơn, phá thạch, xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, cùng với quê hương đất tổ (tỉnh Phú Thọ), nhiều địa phương trong cả nước đã thành kính tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn.
Với ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc và tôn vinh công đức Quốc Tổ Hùng Vương, các bậc tiền nhân đã có công dựng nên bờ cõi và các Anh hùng dân tộc đã có công dựng nước, hằng năm, vào ngày 10 tháng 3, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ta cũng long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ.
Đã thành thông lệ, gần 20 năm nay, người dân thôn 2 (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) luôn duy trì việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
|
Ông Đỗ Hiền Lương- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn thôn 2 cho biết, thôn có hơn 580 hộ gia đình, người dân từ nhiều nơi về sinh sống, nhưng với tinh thần hướng về cội nguồn, gìn giữ mỹ tục độc đáo của dân tộc nên từ khi Ban nhân dân thôn đưa ra ý tưởng, bà con trong thôn rất đồng tình hưởng ứng. Năm nào cũng vậy (trừ thời điểm dịch bệnh), cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, đông đảo người dân trong thôn lại tề tựu về hội trường nhà văn hóa thôn để tổ chức Lễ Giỗ Tổ nhằm tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Để ngày Giỗ Tổ chu đáo, trang trọng, ngay từ cuối tháng 2 âm lịch, chi bộ thôn họp cho chủ trương, sau đó, Ban nhân dân thôn triển khai kế hoạch, phân công các thành viên thực hiện các phần việc như dọn dẹp hội trường thôn, sắm sửa lễ cúng, đặt tiệc liên hoan.
Mâm lễ cúng được người dân coi trọng, vì vậy, việc chuẩn bị rất kỹ càng, sửa soạn chu đáo. Lễ vật chủ yếu là những sản vật sẵn có tại địa phương tượng trưng cho trời đất, sự sinh sôi nảy nở của muôn loài được lựa chọn để dâng lên các Vua Hùng với tất cả sự tôn kính. Buổi trưa ngày mùng 10, các bậc cao niên, những người có uy tín trong thôn tổ chức nghi thức cúng báo công, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu sức khỏe, bình an cho mọi gia đình. Bên cạnh đó, các cựu chiến binh cũng sẽ tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ của huyện để bày lòng biết ơn đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ để nhân dân có cuộc sống hòa bình, ấm no ngày hôm nay.
Vào buổi chiều, mọi người trong thôn sẽ cùng nhau ăn bữa cơm chung để ôn lại truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc, khắc ghi công lao to lớn của các vị Vua Hùng, nhắc nhở mỗi người về nguồn cội, từ đó, thêm động lực phấn đấu, quyết tâm hơn để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để mọi người, mọi nhà chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống, góp phần vun đắp, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm - ông Đỗ Hiền Lương chia sẻ.
|
Được thành phố Kon Tum giao trách nhiệm, từ nhiều năm nay, phường Thống Nhất phối hợp với Ban trị sự Đình Lương Khế đều đặn tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ, trước đó khoảng 10 ngày, UBND phường Thống Nhất đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị, trang trí khuôn viên Đình, tuyên truyền để người dân trên địa bàn biết, tham gia.
Ông Phạm Việt Hà- Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết: Trong buổi sáng ngày mùng 10 tháng 3, Ban trị sự Đình Lương Khế sẽ thực hiện nghi thức tế truyền thống, dâng lễ vật, hương hoa, báo công và chúc văn ôn lại lịch sử hào hùng của các vị Vua Hùng thời dựng nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Các đồng chí lãnh đạo thành phố, các phường, xã và đại diện các thôn, tổ dân phố, người dân trên địa bàn tới dâng hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công đức tổ tông.
“Con chim có tổ, con người có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”, dù cách xa quê hương đất tổ hàng ngàn cây số, nhưng những người con Phú Thọ xa quê vẫn hướng về quê hương, giữ gìn những tập tục tốt đẹp.
Bà Nguyễn Thị Dung (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Vào ngày Giỗ Tổ, gia đình tôi cũng soạn sửa mâm cơm cúng, trước là để thể hiện lòng thành kính, biết ơn với công lao các vua Hùng, tổ tiên; sau là để anh em trong nhà, bạn bè cùng quê ngồi lại với nhau cùng chuyện trò. Đây cũng là dịp để chúng tôi giáo dục con cháu về cội nguồn, nhắc nhở các cháu cố gắng phấn đấu học hành, lao động để xứng đáng là con cháu Vua Hùng.
Có thể nói, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi đều hướng về một điểm đó là cội nguồn dân tộc. Qua đó, nhắc nhở về trách nhiệm, cổ vũ tinh thần để mỗi người không ngừng nỗ lực vươn lên, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp như lời căn dặn của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Thiên Hương