Thêm một tư liệu quý của Kon Tum

15/02/2023 06:43

Năm 1993, nhân đoàn công tác của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum ra Hà Nội tìm gặp thì Tố Hữu nhớ lại chuyện xưa, hỏi thăm, biết được ngọn ngành, ông vội viết bức thư, gửi nhờ mang về cho ân nhân xưa.

Trong hồi ký Nhớ lại một thời của nhà thơ Tố Hữu (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2000), ở đoạn ông và bạn tù Huỳnh Ngọc Huệ cùng nhau trốn khỏi Căng an trí Đăk Glei, lúc lạc giữa rừng già, có viết: “Trời đã xế bóng, vừa đến một con suối, chúng tôi liền vốc nước uống cho đỡ khát. Bỗng nghe có tiếng chân người, nhìn lại phía sau, thấy một người Cà-tu nhảy nhanh qua mấy quả đồi, đến ngay bờ suối. Chú ta còn trẻ, nhìn mãi chúng tôi, rồi hỏi bằng tiếng dân tộc “Chiu po moi?”. Tôi đáp  “Giàng mà!”. Hắn liền cười rồi đưa cho chúng tôi hai gói xôi thật to và hai con cá nướng đùm trong lá chuối. Chú ta chỉ tay vào mồm ra hiệu “ăn đi”. Huệ gật đầu, cầm tay chú lắc lắc như để cảm ơn. Xong việc, chú chạy như bay qua đồi về đâu đó. Rõ ràng hắn là người tốt bụng, chúng tôi rất mừng, nhưng vẫn chưa biết mình có bị lộ không? Nuốt vội vài miếng xôi, đỡ đói, chúng tôi lại chạy rất khỏe”.

Bức thư và quà của nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: T.V.S

 

Sau này mới rõ người Tố Hữu bất ngờ gặp hôm đó là A Nhít, dân tộc Giẻ, ở làng La Lua, xã Đăk Blà (nay là xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) gần Căng an trí. Khi ấy A Nhít khoảng 17 - 18 tuổi, đang đi rừng tìm săn con thú. Có lẽ khi ấy Tố Hữu ngỡ mình đã chạy đến vùng đồng bào Cà-tu, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nên nhầm là người Cà-tu!

Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa rừng già ấy cũng dễ bị “lãng quên” theo năm tháng hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Mãi đến năm 1993, nhân đoàn công tác của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum ra Hà Nội tìm gặp các cựu tù đã từng bị đày lên Kon Tum thời Pháp thuộc để làm phim tư liệu (phim “Kon Tum quê hương tôi”) tìm gặp thì Tố Hữu nhớ lại chuyện xưa, hỏi thăm, biết được ngọn ngành, ông vội gấp 2 mét vải cho vào một chiếc túi da nhỏ loại cầm tay và viết bức thư (trên giấy có in sẵn tên ông và ngày… tháng… năm…) gửi nhờ mang về cho ân nhân xưa. Nội dung bức thư như sau:

Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 1993

Kính gửi cụ A Nhít, già làng Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.

Tôi rất cảm động được biết chính cụ ngày xưa là anh thanh niên dân tộc tháng 3 năm 1942 đã cứu giúp hai người tù vượt ngục Đăk Glei là Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ. Hồi đó chúng tôi đang đi trong rừng thì được một thanh niên dân tộc địa phương chạy đến bên bờ suối, cho hai chúng tôi một gói xôi lớn và hai con cá nướng, để ăn đi đường về đến Bến Giàng. Chúng tôi rất nhớ ơn anh bạn trẻ ấy, song không biết rõ là ai, tên gì, còn sống hay không. Nay mới được biết người thanh niên dân tộc ấy là cụ A Nhít hiện còn sống, là già làng Đăk Glei. Rất quý trọng tình nghĩa lớn ấy của cụ, tôi xin gửi lời hỏi thăm cụ, chúc cụ sống lâu và hạnh phúc. Xin gửi biếu cụ chiếc túi da  với một tấm vải mới để cụ dùng, gọi là chút kỷ niệm, tôi không bao giờ quên.

Kính thư

Tố Hữu

Ông A Thanh Sắc (bên trái) với bức thư và quà của nhà thơ Tố Hữu gửi cụ A Nhít. Ảnh: T.V.S

 

Khi viết thư này Tố Hữu (và cả đoàn Kon Tum) đâu biết A Nhít đã mất trước đó 4 tháng! A Nhít sinh năm 1924. Năm 1960 làm Phó bí thư Chi bộ thôn La Lua. Năm 1972 làm Phó Chủ tịch xã Đăk Blà (đến năm 1975 là xã Đăk Choong). Cuối 1972 tập kết ra Bắc. Năm 1974 về lại quê nhà, làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Glei. Năm 1975 làm Chủ tịch xã Đăk Choong. Năm 1985 nghỉ hưu. Ông mất ngày 6/3/1993.

Khoảng năm 1987-1988 có ông Nguyễn Văn Kiên, khi ấy là Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An vào Đăk Glei tìm mộ bố là chiến sĩ cách mạng bị Pháp giết và chôn tại đó. A Nhít là người dẫn đường tìm mộ vì biết chỗ Pháp chôn người. Ông Kiên là Phó Giám đốc Công an tỉnh nên trong mối quan hệ xã hội có quen biết bác sĩ Sô Lây Tăng (người quê Đăk Glei) lúc ấy là cán bộ ở tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ), nên chuyến đi Đăk Glei tìm mộ có ông Tăng đi cùng.

Trong lúc gặp gỡ, chuyện trò, ông A Nhít có vui miệng kể lại chuyện gặp hai tù nhân trốn Căng an trí Đăk Glei năm xưa, ông Sô Lây Tăng nghe và biết được chuyện. Sau đó, ông Tăng có nói với đoàn công tác của Sở Văn hóa Kon Tum đi Hà Nội. Do vậy Tố Hữu mới biết và có quà, thư.

Về Kon Tum, đoàn công tác Sở Văn hóa (có ông Phan Đức Luận là Giám đốc Sở) cùng đi với ông Sô Lây Tăng, lúc này đã là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, đến Đăk Glei trao quà và thư của nhà thơ Tố Hữu. Lúc này cả vợ chồng ông A Nhít đều đã qua đời! Con trai cả A Thanh Sắc thay mặt đón nhận và giữ gìn cẩn thận đến nay.

Trò chuyện với A Thanh Sắc, chúng tôi được biết: Ông tên thật A Sắc, khi ra Bắc học trường Học sinh miền Nam thì thêm chữ “Thanh” vào tên, ông sinh năm 1961, công tác ở huyện qua nhiều chức danh, trước khi nghỉ hưu là Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đăk Glei, hiện ở tại thị trấn Đăk Glei.

Đây là một tư liệu quý liên quan đến đất và người Kon Tum.  

Tạ Văn Sỹ

Chuyên mục khác