Thêm cứ liệu khẳng định vị trí địa chính trị của Kon Tum

05/02/2023 13:02

Tháng 2/1913, tỉnh Kon Tum được chính thức thành lập, theo dòng thời gian, có rất nhiều thay đổi về mọi mặt. Cũng đã có rất nhiều tìm hiểu về những thay đổi đó, dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, ngày càng có thêm điều mới mẻ và lý thú.

Trước hết là sự tồn tại không rõ nét giai đoạn trước 1913, của một tòa đại lý không có thực quyền, một giáo xứ rộng lớn đầy khó khăn trong tiếp cận đời sống văn hóa, tin ngưỡng; những cuộc chiến đấu bền bỉ của người Kinh cùng các già làng tiến bộ chống lại những hủ tục man rợ. 

Năm 1913, sau khi thành lập tỉnh, con đường thực thi chính sách cai trị của thực dân Pháp định hình rõ nét và đã tác động đến thực tế đời sống của đồng bào DTTS ở nhiều địa phương trong tỉnh. Chính nó là nguyên nhân cơ bản để các phong trào chống Pháp nổi lên. Giai đoạn trước năm 1930, người ta tạm quên đi những món nợ cướp bóc, buôn bán nô lệ qua Ai Lao; nhiều thủ lĩnh của tộc người, nhóm tộc người và các chủ làng đã chung tay chống lại chính sách cướp đất, lập đồn điền của Pháp. 

Thành phố Kon Tum ngày càng khang trang và phát triển. Ảnh: Nguyên Phúc 

 

Từ sau năm 1930, nhất là khi các tổ chức Đảng Cộng sản như Chi bộ binh (tháng 9/1930), Chi bộ đường phố (1931) được thành lập và hoạt động, nhân dân Kon Tum chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Cộng sản. Từ đó, phong trào chống Pháp được tiến hành bài bản và có định hướng mục tiêu cụ thể. Yếu tố đó, cùng với tình hình thế giới phát triển theo trào lưu mới, cùng với Mặt trận bình dân đấu tranh mạnh mẽ, thực dân Pháp buộc phải phi tang tội ác Ngục Kon Tum, và thực sự lúng túng với tình hình Kon Tum - Tây Nguyên.

Đó là lý do để năm 1939, chính quyền cai trị liên tiếp ban hành các văn bản can thiệp vào địa vực quản lý vùng Tây Nguyên đối với Trung tâm Kon Tum.

Tiếp cận, tìm hiểu các sự kiện với ý nghĩa thêm một cơ sở dữ liệu minh chứng cho con đường phát triển của tỉnh Kon Tum, chúng tôi được đội ngũ làm công tác tổ chức khai thác tư liệu ở các Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, II, IV, hết sức ủng hộ. Và, trong ngổn ngang tàng thư, một số thông tin mới về Kon Tum hé lộ.

 Đó là, Nghị định số 1182-DNI, ngày 4/12/1938 của Thống đốc Toàn quyền, khẳng định “cần mở rộng và củng cố trung tâm cai trị ở Kon Tum”. Để thực thi Nghị định này, Công sứ cấp cao tại An Nam - GRAFFEUIL đã ký ban hành Nghị định 2793 phát đi từ trung tâm chỉ huy của thực dân Pháp tại Hà Nội vào ngày 15/9/1939, nêu rõ: “sau khi xóa tỉnh Pleiku tất cả mọi vấn đề liên quan đến Chính quyền bảo hộ tại tỉnh này sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của Công sứ Cấp cao của Pháp tại Kon Tum” (Điều 1- NĐ1182 - DNI).

Tiếp theo, ngày 1/11/1939, chính phủ cầm quyền ra Nghị đinh 7615, theo đó, tỉnh Pleiku bị gạch tên và sáp nhập vào với tỉnh Kon Tum, và nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/1939.

Sau chưa đầy 3 tháng, Thông tư 1256 lại được GRAFFEUIL ấn định tại Huế, ngày 11/11/1939 để nhắc nhở việc thi hành Nghị định trên của công sứ cấp cao tại Kon Tum và các nhà chức trách cai quản Pleiku, nêu rõ: “tỉnh Pleiku đã bị gạch tên và sáp nhập vào với tỉnh Kon Tum, và nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1939. Mong các ngài rút lại các giấy tờ văn thư gửi tới tỉnh này” (Điều 3- Thông tư 1256).

Lộ trình trên cho thấy một điều: Chính quyền thực dân, trong sự khó khăn, cùng quẫn của cục diện vẫn nhận thấy rất rõ vai trò của Trung tâm Kon Tum trong địa vực quản lý khu vực Tây Nguyên. Do đó, liên tiếp ban hành các văn bản để củng cố quyền lực cai quản khu vực này. 

Con đường là thế, nhưng rồi Pháp bị cuốn trong vòng xoay cục diện cả thế giới và khu vực. Tiếp theo Nhật đảo chính Pháp, và thời cơ đến, với sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công (1945). Cùng với cả nước, ở Kon Tum, Chính quyền cách mạng ra đời (ngày 25/8/1945).

Một năm sau Pháp quay trở lại (1946), Kon Tum tiếp tục cuộc kháng chiến lần thứ hai đánh Pháp. Sau 1954, vùng đất Kon Tum lại bước tiếp cuộc chiến trường kỳ đánh đuổi Mỹ - Ngụy cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975).

Những kẻ cướp nước cuối cùng thất bại phải ra đi, mang theo số phận của nhiều tư liệu quý. Rồi theo dòng lịch sử, nó bị rơi vào quên lãng. Nghị định 7615 của chính phủ cầm quyền Pháp đã không có hồi kết. Cũng là điều dang dở trong ý đồ phân chia địa vực quản lý, củng cố trung tâm quyền lực ở Kon Tum của thực dân Pháp.

Tuy vậy, tiếp cận nó trên góc độ lịch sử, thì những thông tin mới như trên vẫn là một thực thể trong lộ trình đi lên của vùng đất Kon Tum. Nó như một cơ sở khoa học cho chúng ta khẳng định thêm vị trí địa chính trị chiến lược của Kon Tum trong khu vực Tây Nguyên và cả Việt Nam.                          

LÂM TIỂU HÀ

Chuyên mục khác