Thầy giáo “bảo mẫu”

20/11/2018 07:03

​“Khi tôi theo nghề làm giáo viên mầm non, có rất nhiều người nói ra nói vào, vì ai cũng cho rằng nghề chỉ hợp với nữ. Thế nhưng, tôi lại có suy nghĩ, nếu mình yêu trẻ, yêu nghề thì công việc nữ làm được nam cũng làm được. Và cho đến nay, tôi đã chứng minh được rằng, mình làm tốt và hạnh phúc với công việc đã chọn” - thầy giáo Nguyễn Công Cảnh, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Ngọc (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) chia sẻ.

Trời còn mù sương, thầy giáo Nguyễn Công Cảnh (25 tuổi) đã phải rời nhà ở xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) để vào xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) - cách nhà khoảng năm cây số để dạy học. 3 năm nay, kể từ ngày gắn bó với việc giảng dạy tại Trường Mầm non Tuổi Ngọc, ngày nào thầy Cảnh cũng đi từ lúc mặt trời chưa ló dạng đến khi mặt trời khuất núi mới trở về.

Đặc biệt, vào những tháng bước vào vụ thu hoạch nông sản như thời điểm hiện nay, thầy Cảnh còn phải đến trường từ tờ mờ sáng… Giải thích cho việc phải đến trường sớm như vậy, thầy Cảnh cho biết: Mùa này đang bước vào niên vụ thu hái cà phê, nhiều phụ huynh phải đi rẫy nên tranh thủ mang con đến trường sớm. Vì vậy, tôi cũng phải lên lớp sớm hơn thường lệ để đón trẻ. Nếu mình đến muộn, các cháu phải ngồi ngoài trời lạnh lắm.

Tận tâm với nghề, thầy luôn được học trò quý mến

 

Vừa đến trường, thầy Cảnh vội bước ngay vào lớp học, xắn tay áo sắp xếp lại bàn ghế, dụng cụ học tập ngăn nắp, lau dọn phòng học tinh tươm… Vừa xong việc, nhìn thấy ngoài cổng đã có phụ huynh đưa con đến trường, thầy lại tất bật chạy ra tận nơi đón trẻ với vẻ mặt lúc nào cũng niềm nở, tươi cười. Nhìn thấy thầy giáo Cảnh đến trường sớm, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất vui mừng và phấn khởi.

Chị Liên, một phụ huynh chia sẻ: Ban đầu nghe thầy giáo dạy mầm non tôi cũng e ngại, vì công việc này vất vả, tỉ mẩn, giáo viên nữ làm đã khó huống chi nam giới. Nhưng một thời gian, nhìn thấy cách dạy, cách chăm sóc trẻ của thầy, tôi thực sự rất yên tâm. Con tôi rất quý mến thầy và mỗi ngày cháu rất thích được đến lớp học.

Theo các cô giáo trong trường, lớp học của thầy Cảnh lúc nào cũng vui nhộn. Khi các cháu đã đến lớp đầy đủ, thầy Cảnh bắt đầu bắt nhịp cho các cháu hát; rồi thầy chuyển sang múa cho các cháu múa theo… Nắm bắt tâm lý của trẻ và để tạo hứng thú cho các bạn nhỏ trong giờ học, có lúc thầy Cảnh còn pha trò để các em vui…

Nhiều người ví công việc giảng dạy mầm non như là nghề “bảo mẫu”, bởi không chỉ dạy các em nhỏ múa, hát mà còn chăm chút cả việc ăn, uống, vệ sinh, ngủ nghỉ cho các em. Với thầy Cảnh, thời gian đầu chưa quen việc nên cũng gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, nhờ các đồng nghiệp nữ hướng dẫn, trợ giúp tận tình nên bây giờ thầy không những quen việc và làm việc gì cũng gọn ghẽ.

Giờ ăn trưa đã đến. Sau vài phút được thầy Cảnh thông báo, các cháu nhỏ đã lần lượt ngồi vào bàn ngay ngắn. Thầy Cảnh hướng dẫn các cháu tự xúc ăn. Những cháu lười ăn hoặc chưa biết cách tự xúc ăn, thầy lại ân cần dỗ dành, hướng dẫn từng cháu một cách tận tình.  

Trông các cháu ăn xong bữa trưa, thầy Cảnh lại tất bật dọn dẹp, sắp xếp chỗ ngủ cho các cháu. Nhiều cháu quấy khóc, nghịch ngợm, thầy lại hướng dẫn, dỗ dành, để không làm ảnh hưởng giờ sinh hoạt, ngủ nghỉ chung của cả lớp.

Dù công việc rất vất vả nhưng trên gương mặt của thầy Cảnh lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi. Thầy Cảnh nhớ lại: Ngày trước khi chọn nghề này, nhiều người cứ xì xào bàn tán vì họ nói nghề này yêu cầu tỉ mẩn, chỉ phù hợp với nữ. Nhất là lúc thi đầu vào, mọi người cứ cười khiến tôi xấu hổ đến mức không dám bước vào phòng thi. May sao lúc đó có các cô động viên, nhất là mẹ luôn đồng hành nên tôi tự tin hơn. Lúc nhận kết quả trúng tuyển, tôi chỉ biết cố gắng học thật tốt để sống được với nghề mình yêu thích.

Vượt qua những khó khăn của ngày đầu bước vào nghề và với tình yêu thương trẻ, thầy Cảnh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc giảng dạy mầm non.

Khi được hỏi về kỉ niệm đáng nhớ, thầy Cảnh cho biết: Kỷ niệm thì nhiều lắm nhưng nhớ nhất với tôi là cái Tết đầu tiên đi dạy. Mới ngày mùng 5 Tết đã có phụ huynh gọi điện đến cho biết con của họ đòi đến trường vì nhớ thầy giáo; có cháu còn đòi phải có thầy giáo đút cho ăn thì mới chịu ăn... Chiều chuộng  con em mình, một số phụ huynh đã xin phép đưa con đến nhà tôi để vừa chúc Tết vừa cho con được gặp thầy giáo để nhờ thầy động viên giúp. Những câu chuyện như vậy càng thôi thúc tôi thêm động lực để gắn bó với nghề hơn.

Đang miên man chia sẻ về những kỷ niệm vui, thầy Cảnh lại bật cười: Làm giáo viên mầm non tuy có vất vả thật nhưng tinh thần luôn tươi trẻ. Bởi đã là giáo viên mầm non thì ngoài việc phải múa hát thì lúc nào cũng phải vui vẻ, hòa đồng với các cháu. Nhiều lúc trong cuộc sống có chuyện buồn, nhưng rồi nhìn thấy các cháu hồn nhiên, vui tươi thì mọi lo âu, mệt mỏi cũng tan biến.  

Người ta nói “cô giáo như mẹ hiền”, nhưng qua tấm gương của thầy giáo Cảnh thì thật sự đâu chỉ có cô giáo mà thầy giáo cũng như mẹ hiền. Với sự tận tâm với nghề, thầy Cảnh luôn nhận được sự yêu mến của các cháu nhỏ, được phụ huynh kính trọng, đồng nghiệp quý mến.

Nhận xét về thầy giáo Cảnh, cô Nguyễn Thị Thắm - Hiệu trưởng nhà trường khen ngợi: Ban đầu khi mới về trường, thấy thầy giáo dạy mầm non, tôi vừa ấn tượng nhưng cũng có phần lo lắng, không biết thầy có đảm nhiệm tốt nhiệm vụ hay không. Đến nay thì không còn nghi ngờ gì nữa, thầy Cảnh làm rất tốt tất cả các công việc, từ chăm sóc, cho các cháu ăn đến việc dạy dỗ… Đặc biệt, thầy Cảnh luôn năng nổ trong mọi hoạt động, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp cũng như đỡ đần những công việc nặng trong trường. Năm vừa qua, thầy cũng hăng hái tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Bài, ảnh: Bình An

Chuyên mục khác