03/10/2019 13:01
Sau hành trình dài, đến giữa trưa chúng tôi mới đến được làng Ba Tu 1 (xã Ngọc yêu). Lúc này, ở ngôi làng vùng sâu của xã Ngọc Yêu này vẫn như bao trọn giữa khối sương mù dày đặc. Người cách người vài bước chân nhưng chẳng nhìn rõ mặt nhau. Ấy vậy mà, thầy Võ Văn Cương - Hiệu phó Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu vẫn phăm phăm bước. Cả 8 thôn làng ở xã Ngọc Yêu này, thầy Cương quen từng nóc nhà. Bởi, 15 năm qua, thầy Cương vẫn luôn miệt mài đến từng thôn làng, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.
Năm 2004, thầy Cương ra trường và lên Ngọc Yêu công tác. Trải qua rất nhiều khó khăn, có lúc thầy Võ Văn Cương muốn bỏ tất cả trở về quê ở tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, đến khi bình tâm lại và nhất là mỗi khi đối diện với những ánh mắt trong veo của các em học sinh chân chất, mộc mạc, thầy lại thay đổi ý định, quyết tâm bám làng “gieo chữ”.
“Tôi thương các em học sinh ở đây quá, chúng cứ như cây trên rừng mà chống chịu mọi khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống. Cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của các em thiếu thốn trăm bề. Đến cả lúc lên lớp chúng vẫn đi chân đất, đầu không đội mũ, cứ thế hồn nhiên bước đi trong sương mù…” - thầy Cương xúc động kể với chúng tôi về hoàn cảnh trước đây của các em học sinh ở Ngọc Yêu (bây giờ cuộc sống đỡ hơn nhiều).
Thầy Võ Văn Cương miệt mài đi lại, bám làng đến nỗi mọi việc thành quen thuộc như người trong làng, trong xã. Người dân ở cả 8 thôn làng ở xã Ngọc Yêu, ai cũng quen với dáng đi của thầy Cương và dành trọn tình yêu thương cho thầy như người con của làng vậy. Mỗi khi thầy xuống nhà dân tuyên truyền, vận động rồi trở về trường trở lại, thường được bà con gửi biếu xâu cá suối, mớ rau rừng.
|
Vào đến giữa làng, thầy Cương dắt chúng tôi ghé thăm nhà em A Khuôn (học sinh lớp 9) và A Khuyến (học sinh lớp 7), học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu. Cha của 2 em bệnh nặng mới mất 3 năm nay. Một mình mẹ em chật vật nuôi 2 con ăn học. Nhiều lúc khó khăn quá, A Khuôn tính đến chuyện nghỉ học để làm lụng giúp mẹ lo cho cuộc sống gia đình. Biết chuyện, thầy Cương liền đến tận nhà khuyên nhủ em cố gắng theo đuổi con chữ để thay đổi cuộc sống. Nghe lời thầy, A Khuôn đã quyết định tiếp tục đi học, theo đuổi con chữ.
Hôm nay, mẹ A Khuôn đi vắng, em ở nhà với bà nội. Ngồi bên bếp lửa cùng 2 bà cháu, thầy Cương thủ thỉ hỏi thăm A Khuôn: “Sắp vào năm học mới rồi, em đã chuẩn bị đầy đủ sách vở để đến lớp chưa? Nếu có khó khăn gì thì phải nói với thầy để thầy tìm cách giúp đỡ. Dù thế nào, A Khuôn cũng không được nghỉ học đâu nhé.”
Nói đoạn thầy quay sang tâm sự với bà nội A Khuôn bằng tiếng Xơ Đăng. Thoáng nhìn ánh mắt và cử chỉ của họ, tôi cảm nhận được, cả hai người trao đổi cởi mở, chân tình như người thân trong gia đình.
Thầy Võ Văn Cương bộc bạch cùng chúng tôi: Bà con ở Ngọc Yêu tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng sống rất tình cảm. Học sinh nơi đây chịu khó học tập, vì vậy tôi không muốn rời xa vùng đất này, dẫu đến nay mảnh đất Ngọc Yêu vẫn còn không ít khó khăn, thiếu thốn. Bà con coi mình như người con của làng thì mình cũng gắng sức để đáp lại tình cảm ấy và chỉ bằng cách tận tình, tận tâm dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho các em thì mới đền đáp được cái nghĩa, cái tình của người dân nơi đây…
Chính cái tình của bà con đồng bào Xơ Đăng ở Ngọc Yêu đã níu chân thầy Võ Văn Cương. Nhiều năm ngành Giáo dục- Đào tạo huyện Tu Mơ Rông có kế hoạch luân chuyển thầy Cương đi nơi khác nhưng thầy vẫn viết đơn xin được ở lại với Ngọc Yêu.
Nói về thầy Cương, ông A Thinh - Thôn trưởng Thôn Ba Tu 1 cho biết: Thầy Cương tốt lắm, nhiệt tình lắm. Thầy thường xuyên xuống phối hợp với thôn đến từng nhà động viên, nhắc nhở các em học sinh phải chịu khó học tập sau này trở thành người có ích cho xã hội. Dân làng luôn kính trọng, quý mến và coi thầy như người con của làng mình.
Suốt 15 năm qua, bất kể mưa hay nắng, hàng tuần, thầy Võ Văn Cương lại vượt hơn 60 km đường từ thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) đến với mảnh đất Ngọc Yêu bám làng “gieo chữ” với mong ước sau này các em sẽ trở thành người có ích cho xã hội…
Văn Phương