Thay đổi tư duy sản xuất

26/12/2021 06:05

Từ việc sản xuất đơn lẻ, nhà nào biết nhà nấy, thời gian trở lại đây, nhiều hộ dân ở các làng đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết liên kết, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng giúp nhau phát triển.

Chỉ về quả đồi xa xa, anh A Kên và các thành viên trong Hợp tác xã thảo dược cộng đồng Văn Lem, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô vui mừng khoe đang thu hoạch vụ khoai sâm đầu tiên. 14 thành viên của Hợp tác xã (ở 2 thôn Tê Peng và Tê Rông) hợp tác trồng 3 sào, hiện tại đã thu hoạch và bán được hơn 1 tấn. Các anh ước tính thu hoạch được chừng 3 tấn, với giá khoảng 20.000 đồng/kg, vụ đầu tiên dự tính thu được 60 triệu đồng.

So với cây mì, việc trồng khoai sâm mang lại giá trị cao hơn. Nhưng điều làm anh Kên vui mừng hơn cả, chính là bà con đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn tham gia vào hợp tác xã và mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi.

Anh Kên kể lại, trước đây, vốn quen với việc sản xuất manh mún, nhà nào biết nhà đó, bà con không mặn mà với việc tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Bản thân anh, là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, nhận thấy việc thành lập các tổ hợp tác là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển hàng hóa với quy mô tập trung hơn. Vậy nên, anh đứng ra thành lập và vận động người dân tham gia vào hợp tác xã.

“Mấy năm trước, mình tự thử nghiệm các loại cây dược liệu trên 2ha đất, nhưng không phù hợp. Năm nay, mình nghiên cứu và chuyển sang khoai sâm, vận động người dân cùng tham gia”- anh Kên chia sẻ.

Anh A Kên (giữa)- vận động người dân trong thôn tham gia hợp tác xã. Ảnh: H.T

 

Quen với lối canh tác cũ, quen với việc trồng cây mì, cây lúa, anh A Bun (thôn Tê Rông) chưa bao giờ nghĩ mình sẽ liên kết để trồng giống cây khác. Thế nhưng giờ đây, anh là một trong những thành viên tích cực của hợp tác xã. A Bun vui mừng cho biết: “Mình thay đổi suy nghĩ và cách thức sản xuất từ khi tham gia hợp tác xã. Nếu như trước đây, sản xuất độc lập, mình cứ lặp đi lặp lại lối canh tác cũ, năng suất thấp, hiệu quả không cao, thì nay vào hợp tác xã, các thành viên cùng chia sẻ, động viên nhau làm ăn, hiệu quả hơn rất nhiều”.

Thay đổi nếp nghĩ, người dân có sự chuyển biến tích cực trong cách làm. Anh Kên nói rằng, nếu như trước đây, người dân trong thôn chỉ muốn được là hộ nghèo, thì nay đã muốn tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác để phấn đấu, phát triển kinh tế. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm các giống mới, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích sản xuất. Trước mắt, chúng tôi từng bước mở rộng diện tích cây khoai sâm. Cùng với đó, hướng đến vừa bán thô, vừa chế biến để mang lại hiệu quả cao hơn” – anh A Kên cho hay.

Đến nay, trên địa bàn xã Văn Lem đã có khoảng 40 hộ đồng bào DTTS tham gia vào 3 hợp tác xã và 1 tổ hội nghề nghiệp nuôi heo sọc dưa trên địa bàn.

Người dân thôn Kà Bầy, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy liên kết trồng nghệ. Ảnh: H.T


Tương tự, tại xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, được vận động, bà con đồng bào DTTS tại các làng đã tích cực liên kết, tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển kinh tế. Như năm 2021, được vận động, 7 thành viên tại thôn Kà Bầy đã tham gia vào tổ hợp tác trồng nghệ với tổng diện tích 7 sào. Được Hợp tác xã nông công nghiệp xanh Sa Thầy (xã Sa Bình) bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ về giống, phân bón thời điểm ban đầu và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, người dân tham gia tổ hợp tác rất yên tâm.

Ông A Vang – người dân thôn Kà Bầy chia sẻ: “Tham gia tổ hợp tác, bà con mình hướng dẫn tận tình và không lo về đầu ra cho sản phẩm. Hơn thế, anh em trong tổ hợp tác thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nên dễ khắc phục khó khăn, rủi ro trong quá trình làm”.

Ngoài tổ hợp tác trồng nghệ, Đảng ủy xã Sa Bình còn hướng đến việc hỗ trợ người dân phát triển thêm 3 tổ hợp tác về trồng cây ăn quả, nuôi heo sọc dưa. Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình – Nguyễn Minh Thuận khẳng định rằng, thu nhập của người dân được nâng cao, các hộ sẽ thoát nghèo bền vững, bởi người dân đã biết tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và phát triển các mô hình mới. Về phía xã, sẽ đồng hành cùng người dân, động viên người dân nỗ lực phát triển.

Tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển kinh tế tập thể, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sẽ dần thay đổi nếp nghĩ trong đồng bào DTTS, hướng đến những cách làm ăn mới hiệu quả, nâng cao thu nhập. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ, việc làm quan trọng để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.     

Hoài Tiến

Chuyên mục khác