Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao đời sống đồng bào DTTS - Bài 3: Những tín hiệu vui

15/08/2021 05:57

Đồng bộ triển khai, các nội dung của Cuộc vận động nhanh chóng đi vào đời sống. Một số kết quả ban đầu là minh chứng cụ thể cho thấy sự thiết thực, hiệu quả của Cuộc vận động.

Những tín hiệu vui

Xưa, cứ nghĩ miếng rẫy, mảnh ruộng cha ông để lại, dù đói no cũng phải bám lấy quanh năm. Nhưng nay, được vận động, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị, người dân ở các vùng đồng bào DTTS đã dần nhận thức rằng không thể giữ mãi nếp nghĩ cũ, phải chuyển mình để bắt nhịp. Không còn bó buộc trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp, bước đầu, người dân chuyển hướng làm, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Trước đây, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) đã xây dựng nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo nhưng hiệu quả không cao, bởi hầu hết các mô hình được hỗ trợ hoàn toàn, người dân không tự bỏ vốn nên ý thức trách nhiệm không cao trong việc thực hiện. Nay, sau khi có Cuộc vận động, Đảng ủy xã đã thay đổi cách làm. “Chúng tôi tổ chức cho khoảng 20 cán bộ, nông dân người DTTS tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện các mô hình tại tỉnh Đăk Lăk. Khi trở về, xã xây dựng mô hình và khuyến khích bà con vay vốn để phát triển”- ông Mai Nhữ Nam – Chủ tịch UBND xã Hơ Moong chia sẻ.

Người dân bắt nhịp làm mô hình kinh tế kết hợp. Ảnh: HT

 

Khi tham quan trở về, có kiến thức, tư duy tiến bộ, không trông chờ, ỷ lại, ai nấy đều tự giác học kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời đăng ký để được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Vi Văn Dũng ở thôn Đăk Wâk, xã Hơ Moong vui mừng cho biết: “Trước đây cũng như bà con, mình hay nuôi thả rông, nhưng bây giờ, mình đầu tư chuồng trại bài bản. Ban đầu cũng lo ngại, nhưng được động viên, mạnh dạn tham gia, mình mới thấy hiệu quả. Mình đã biết cách tiêm phòng cũng như thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho heo. Đàn heo béo khỏe, lớn nhanh, hứa hẹn nguồn thu không nhỏ giúp mình sớm thoát nghèo”.

Sau hơn 2 tháng thực hiện, ông Nam phấn khởi nói rằng, bà con thay đổi rất nhiều. Từ việc ỷ lại, bà con đã chủ động vay vốn làm mô hình. Hơn thế, mọi người biết cách phòng bệnh, chăm sóc cho đàn heo. Thành công bước đầu, xã đang đặt ra mục tiêu đến cuối năm có 30 hộ tham gia mô hình để giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Tương tự, khi được các cấp chính quyền vận động, các hộ dân tại xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) đã chuyển từ trồng mì sang đăng ký trồng rừng, mắc ca. Mở đầu câu chuyện nói về sự thay đổi, anh A Thuần, thôn trưởng thôn Kon Tu, xã Đăk Ui  cho biết, mùa mưa năm nay, anh chuẩn bị xuống giống trồng 1ha cây keo và 50 cây mắc ca. Ngoài ra, 24/107 hộ dân khác trong thôn cũng đăng ký thực hiện những cây trồng mới. “Trước đây bà con chỉ muốn trồng cây ngắn ngày để… có ăn liền. Nay, không còn trông chờ, ỷ lại, người dân chủ động quỹ đất, lĩnh hội kiến thức về trồng và chăm sóc mắc ca, cây keo… Hy vọng, hướng thay đổi sẽ góp phần giúp dân làng khấm khá hơn” – anh Thuần phấn khởi nói.

Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, người dân còn tích cực tham gia vào các hợp tác xã, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Như ở xã Ia Chim, được các cấp chính quyền đầu tư kỹ thuật, hệ thống nước tưới tiêu đảm bảo, có đơn vị bao tiêu sản phẩm, 89 thành viên là người DTTS ở làng Plei Sar đã mạnh dạn tham gia vào tổ hợp tác trồng cây ăn quả Ia Chim. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cộng với việc rào vườn cẩn thận, chăm bón kỹ càng, khoảng 10ha chuối tiêu hồng đang phát triển tốt. Bà Uông Thị Trang – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, liên kết sản xuất, người dân và doanh nghiệp đang tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn cho thị trường.

Không ngừng nỗ lực

Chung sức thực hiện, các cấp, các ngành, các địa phương đã, đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy lợi thế, điều kiện sẵn có, áp dụng khoa học kỹ thuật, những cách làm hay, hiệu quả để phát triển sản xuất. Những kết quả bước đầu là tín hiệu vui, đáng mừng, minh chứng cho sự lan tỏa, hiệu quả của phong trào.

Ông Bùi Duy Chung – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Những kết quả bước đầu tạo động lực để các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục ra sức thực hiện hiệu quả Cuộc vận động. Trong quý III/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ lựa chọn thôn (làng) đồng bào DTTS để làm điểm tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến nội dung Cuộc vận động; đồng thời, xây dựng mô hình hỗ trợ hộ, nhóm hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, từng bước triển khai và nhân rộng. Cùng với việc chú trọng triển khai thực hiện, hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã và đang xây dựng các kế hoạch kiểm tra việc triển khai, để kịp thời rút kinh nghiệm nhân rộng những cách làm hay, khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…

Thay vì trồng mì, người dân chuyển sang trồng gừng. Ảnh: H.T

 

Cuộc vận động mới bước vào giai đoạn đầu, các kết quả mới phần nào đánh giá được sự cố gắng, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong triển khai; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng như sự phối hợp thực hiện của người dân ở một số nơi. Để đạt được các mục tiêu của Cuộc vận động đề ra, cần sự nỗ lực không ngừng, sự bền bỉ, kiên trì trong triển khai thực hiện. Đặc biệt cần có sự năng động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đến vùng DTTS, chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển dịch vụ, du lịch, tạo ra việc làm mới để đời sống của người dân thêm phần ổn định; để nhịp sống no ấm tràn về khắp nơi nơi.

Một mùa vụ mới với nhiều thay đổi. Các cây giống mới từng bước được đưa vào sản xuất thay thế các cây trồng kém hiệu quả. Trên những đám rẫy đang dần được phủ xanh bởi mắc ca, cây ăn quả… người dân hăng hái lao động, mong chờ một mùa vụ năng suất. Con đường bê tông rộng thênh thang khiến từ làng về phố thêm gần. Tạm biệt những cái vẫy tay đầy hứng khởi, trong lòng cũng mừng vui không kém. Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, nếp nghĩ, hủ tục được xóa bỏ, cách làm lạc hậu sẽ bị nhấn chìm, đại ngàn sẽ có thêm luồng gió mới, nhịp sống mới bình an, ấm no, hạnh phúc.  

Hoài Tiến

Chuyên mục khác