Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao đời sống đồng bào DTTS - Bài 2: Huy động sức mạnh tổng hợp

13/08/2021 13:02

Sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động Cuộc vận động, các cấp chính quyền địa phương, mặt trận, đoàn thể, đảng viên, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, xây dựng kế hoạch, triển khai rộng khắp, góp sức đưa Cuộc vận động nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Đồng bộ vào cuộc

Để đạt được được mục đích, ý nghĩa đặt ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Và, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố cũng ký kết giao ước thi đua triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Với quan điểm làm kiên trì, kiên quyết, không nóng vội, gượng ép cùng với lộ trình, bước đi phù hợp, các huyện, thành phố, các cơ quan, ban, ngành đã tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, triển khai Cuộc vận động theo tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Tại thành phố Kon Tum, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tập trung đánh giá cụ thể thực trạng, tiềm năng, thế mạnh từng thôn, làng. Qua đó, Thành ủy ban hành Nghị quyết về thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Ảnh: H.T

 

Từ thực tiễn, phần đông đồng bào DTTS trên địa bàn gắn bó với cây mì, cây lúa, thành phố có hướng huy động nguồn lực, vừa tuyên truyền, hỗ trợ người dân liên kết, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp. Cùng với đó, các xã, phường hướng đến nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ nhân dân sản xuất, thành lập các hợp tác xã để tăng sinh kế cho người dân. 

Không riêng chính quyền các địa phương, các cấp, các ngành, các đoàn thể đều đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt nội dung Cuộc vận động. Thượng tá Phạm Văn Lâm - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Thực hiện Cuộc vận động được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng thế trận trong lòng dân. Trong thời gian tới, trên nền tảng của các mô hình đã thực hiện được, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ chỉ đạo các đồn Biên phòng tiếp tục “3 bám, 4 cùng”, tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ người dân vùng biên xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế. 

Tương tự, Hội LHPN tỉnh đã và đang tổ chức triển khai, đưa nội dung Cuộc vận động vào nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp; tập trung lãnh đạo, lồng ghép thực hiện trong các phong trào thi đua; huy động nguồn lực và triển khai đồng bộ, xuyên suốt nhiệm kỳ 2021-2026.

Đảng viên đi trước, doanh nghiệp chung sức

Hiểu rõ ý nghĩa của Cuộc vận động, với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ngay từ những ngày đầu triển khai, các đảng viên đã nỗ lực, góp sức cùng chính quyền địa phương đưa Cuộc vận động vào thực tiễn.

Anh Huỳnh Hữu Phước - Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô nói rằng, 115 đảng viên ở xã là nhân tố tích cực trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động. Anh cho biết, sống trong cộng đồng làng, hiểu rõ phong tục, tập quán, cách thức sản xuất của người dân, khi địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động, các đảng viên, nhất là đảng viên ở khu dân cư tích cực tham gia hỗ trợ nắm bắt tình hình thực tế, những hạn chế trong nếp nghĩ, cách làm của người dân. Hiện tại, các đảng viên đã giúp người dân nắm được tinh thần, ý nghĩa của Cuộc vận động…

Không chỉ vận động người dân, các đảng viên tiên phong thực hiện các nội dung của Cuộc vận động. Như ở xã Mô Rai, hiểu rõ những tồn tại trong việc ma chay, trong lễ bỏ mả gây ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của người dân, các đảng viên đã tích cực vận động gia đình, người thân thay đổi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu.

Các đảng viên cũng ý thức trong việc chủ động làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Như đảng viên A Yeoh, thôn Kon Gur, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum), không chỉ vươn lên phát triển kinh tế trong gia đình, ông còn vận động con trai tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. “Mình vừa tạo điều kiện cho con làm ăn, vừa động viên con cố gắng. Các chính sách hỗ trợ là động lực, bản thân phải nỗ lực, có chí hướng, chăm chỉ làm ăn mới thoát nghèo. Mình sẽ lấy câu chuyện của mình, của con để vận động người dân trong thôn” - ông Yeoh chia sẻ.

Đối với các doanh nghiệp, nhận thức rõ vai trò của mình trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân, nhiều đơn vị đã tích cực phối hợp, giúp người dân thay đổi nếp sản xuất cũ, hình thành các mô hình sản xuất mới, cánh đồng mẫu lớn để tạo ra năng suất cao, hiệu quả cao.

Sau khi biết chủ trương về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tháng 5/2021, Hợp tác xã Phượng Hoàng (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) đã phối hợp với chính quyền địa phương, hướng cho bà con trồng và phát triển cây dược liệu thay thế cây mì.

Không chỉ vận động, Hợp tác xã trực tiếp mời chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng gừng, chăm sóc...; huy động nguồn vốn triển khai xây dựng hệ thống điện, nước phục vụ quá trình chăm sóc; đồng thời, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá bảo hiểm 30.000 đồng/kg gừng đen để bà con yên tâm.

“Ban đầu người dân cũng băn khoăn, lo lắng, hơn thế, quen với việc trồng mì nên không chịu thay đổi. Tuy nhiên, qua thời gian vận động, hiểu ra vấn đề, khoảng 50 hộ dân trong thôn đã trồng và chăm sóc 5ha gừng đen trên cánh đồng lớn. Từ việc làm manh mún, nhỏ lẻ, với sự đồng hành của chúng tôi, người dân đã bắt tay với việc trồng gừng theo quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…” - chị Hoàng Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho hay.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân, các nội dung của Cuộc vận động đang từng bước đi vào đời sống.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác