Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

14/05/2020 13:08

Bài học vươn lên từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cần cù lao động, chịu khó tính toán sản xuất hợp lý của ông A Néo cùng với sự định hướng, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành trong việc giúp đỡ nhiều hộ gia đình thoát nghèo ở các địa phương trong tỉnh là minh chứng thuyết phục từ cuộc sống.

Tôi thật sự bất ngờ trước tính toán làm giàu hợp lý của ông A Néo ở thôn Long Láy 2, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông. Trong mảnh vườn, ông bảo, hơn 1 ha sâm dây là cây ngắn ngày, ông trồng để lấy tiền trang trải trong đời sống hàng ngày. Thu nhập từ hơn 3 ha cà phê, ông tích góp để đầu tư trồng 200 cây sâm Ngọc Linh, 2.000 cây sâm nước và cây sơn tra. Ngoài ra, ông còn ươm cây sơn tra, cà phê để bán cho bà con trong làng cùng phát triển. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tính toán hợp lý, lấy ngắn nuôi dài, chăm chỉ sản xuất, nhờ vậy, gia đình ông phất lên như diều gặp gió.

Từ xưa đến nay, lúa vẫn luôn là cây trồng không thể thiếu với bà con Xơ Đăng nơi đây. Tuy nhiên, ở huyện miền núi này, nếu chỉ trông chờ vào những bông lúa, rất khó để giảm nghèo. “Được mẹ rừng thiên nhiên ưu đãi khí hậu phù hợp với cây sâm, nếu không tận dụng lợi thế để phát triển, quả thật rất phí hoài. Người khác làm được thì hà cớ gì mình không làm được, nếu không thử, làm sao giảm được nghèo” - ông A Néo đầy tự tin nói.

Không riêng ông A Néo, ngoài việc trung thành với cây lúa, nhiều người dân nơi đây đã biết tận dụng lợi thế dưới tán rừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh, sâm dây, sâm nước (cây bảy lá một hoa). Cùng với đó, sử dụng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, họ cũng xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế khác: Trồng sơn tra, nuôi trâu. Không bó hẹp ở 1 sào, 2 sào, nhiều hộ dũng cảm thay đổi phương thức nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất quy mô lớn để phát triển.

Ông A Néo ươm cây sơn tra, cà phê đế bán cho bà con trong làng cùng phát triển. Ảnh: HT

 

Có lợi thế, thấy tiềm năng, tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng biết hướng đi, biết cách vận dụng để phát triển một cách phù hợp. Ví như có người có quyết tâm cao nhưng lại thiếu vốn; có người có vốn nhưng lại thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc; có người có kỹ thuật trồng, chăm sóc lại thiếu sự cần cù, siêng năng… Chính vì vậy, có một số người bắt tay vào làm nhưng không đạt hiệu quả. Mô hình hay, ý nghĩ tốt nhưng vẫn đối diện với thất bại.

Vốn quen với việc sạ lúa mỗi năm 2 vụ, vốn quen với chăn trâu, nuôi gà, nay chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhiều người không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí lo sợ. Cơm no, áo ấm là điều mà bất kể ai cũng mong muốn; làm sao để giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu là điều mà ai cũng quan tâm. Tuy nhiên, đây lại thường là “bài toán” khó đặt ra đối với nhiều người.

Trong sản xuất, bên cạnh việc gặp “thời”, thêm việc chăm chỉ, điều quan trọng, người dân cần được định hướng, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Nhất là với những hộ ở vùng sâu, vùng xa, họ rất cần sự quan tâm hỗ trợ về vốn, hướng dẫn về kĩ thuật, định hướng, có chính sách hỗ trợ, đầu tư thực hiện những mô hình phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng.

Thực tế cho thấy, dưới sự định hướng, quan tâm sát sao, nhiều mô hình được hỗ trợ, đầu tư phát triển: Tổ liên kết phụ nữ trồng hồng đẳng sâm ở Tu Mơ Rông, Đăk Glei; tổ phụ nữ liên kết trồng mì cao sản ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy đã phát huy hiệu quả. Hay từ nguồn hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, nhiều hộ dân ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi đã vươn lên phát triển kinh tế, xóa nghèo; chính sách tín dụng cũng giúp nhiều hộ tiếp cận, có cơ hội thoát nghèo. Cùng với đó, các cấp hội, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật giúp nhiều hộ dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Có nguồn vốn, có sự hỗ trợ, đầu tư, người dân cũng cần được quan tâm về việc dự báo thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính quyền, ngành chức năng cần có những giải pháp đột phá, lâu dài, tránh tái diễn điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, qua đó giúp bà con nông dân có thêm niềm tin sản xuất.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, bản thân thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, không ỷ lại, trông chờ, chắc chắn bà con sẽ không gặp khó mãi. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nếu chịu khó thay đổi tư duy sản xuất và có cách nhìn rộng mở hơn, việc giảm nghèo từ nông nghiệp không là chuyện quá khó khăn.

Bài học vươn lên từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cần cù lao động, chịu khó tính toán sản xuất hợp lý của ông A Néo cùng với sự định hướng, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành trong việc giúp đỡ nhiều hộ gia đình thoát nghèo ở các địa phương trong tỉnh là minh chứng thuyết phục từ cuộc sống.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác