Thay đổi để vươn lên

06/08/2023 13:11

Sau 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), Đảng ủy, chính quyền xã Kroong (thành phố Kon Tum) đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều mô hình, tạo điều kiện để người dân mạnh dạn tham gia, phát triển kinh tế, đồng thời đẩy mạnh việc xóa bỏ những hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Xã Kroong có 2 thôn (làng) đồng bào DTTS là Kroong Ktu và Kroong Klảh. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây, xã đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên hệ thống loa của thôn, lồng ghép trong các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri. Đặc biệt, cán bộ xã còn đến từng nhóm hộ, từng hộ dân hướng dẫn cách làm để chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp, nắm tâm tư nguyện vọng người dân, giải thích, vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gia súc. Cùng với đó, xã còn xây dựng các mô hình cụ thể để người dân tham gia.

Ra mắt mô hình trồng thí điểm măng cụt, chôm chôm gắn với du lịch trải nghiệm tại thôn Kroong Ktu. Ảnh: V.T

 

Đơn cử, tại thôn Kroong Ktu, UBND xã triển khai thí điểm mô hình trồng cây cây măng cụt, cây chôm chôm gắn với du lịch trải nghiệm trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND xã Huỳnh Quốc Việt cho biết, việc triển khai mô hình nhằm giúp bà con học hỏi các kinh nghiệm trồng cây ăn quả, mở ra một hướng kinh tế mới. Cùng với đó là hướng đến việc phát triển du lịch trải nghiệm tại vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Cùng với mô hình trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể còn thực hiện mỗi tổ chức ít nhất 1 mô hình nhằm thực hiện Cuộc vận động tại 2 làng đồng bào DTTS theo kế hoạch, các mô hình hiện đang được duy trì phát triển. Cụ thể, tại thôn Kroong Ktu có mô hình “Nuôi dê sinh sản xoay vòng” của Đoàn Thanh niên xã; “Trồng chuối cải tạo vườn tạp” của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Tại thôn Kroong Klảh có mô hình “Nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế chăn nuôi gà thả vườn” của Hội LHPN xã; mô hình “Trồng thanh long ruột đỏ cải tạo vườn tạp” của Hội Cựu chiến binh xã;  mô hình “Cắt bỏ cây có giá trị kinh tế thấp, trồng xen dần thay thế cây có giá trị kinh tế cao” của Hội Nông dân xã.

Để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xã đã tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay theo quy định, hiện toàn xã có 692 hộ được vay vốn với tổng dư nợ hơn 33,5 tỷ đồng. Cùng với đó, xã đã cử cán bộ hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, sầu riêng. Sau hơn 2 năm Cuộc vận động, hiện trên 65% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả sang trồng mía KK3, trồng chuối tiêu hồng, trồng chanh dây xen đậu xanh, mô hình liên kết trồng bí Nhật.

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Kroong có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi dê. Ảnh: VT

 

Bên cạnh đó, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn trái, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác (tổ hợp tác chăn nuôi gia súc Kroong, có 15 thành viên; tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt, dịch vụ và du lịch Đăk Samen, có 3 thành viên tham gia; thành lập Tổ hợp tác nuôi gà bản địa thôn Kroong Klah với 5 thành viên).

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế, 2 năm qua, xã Kroong đã có 30 hộ DTTS thoát nghèo, trong đó 11 hộ ở thôn Kroong Ktu, 19 hộ ở thôn Kroong Klảh. Đến cuối năm 2022, toàn xã chỉ còn 51 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,79%.

Bên cạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xã Kroong còn đẩy mạnh tuyên truyền người dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Đến nay, xã không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, một số phong tục không còn phù hợp đã được bỏ dần như để người chết lộ thiên trên sạp trong đám tang, ngủ rẫy. Một số phong tục đã từng bước có sự chuyển biến giảm như ăn uống kéo dài ngày trong dịp tang, cưới hỏi, sinh đẻ tại nhà.

Ông Huỳnh Quốc Việt cho biết: Người dân trong xã cũng đã nhận thức được công tác vệ sinh môi trường rất quan trọng nên tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình, bằng việc như ra quân dọn vệ sinh nhà ở và công cộng sáng chủ nhật hàng tuần. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục duy trì các mô hình nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động, đồng thời tuyên truyền người dân nhân rộng, phát triển các mô hình hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và phù hợp với từng gia đình; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân học nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất; đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của người đồng bào DTTS.

Văn Tùng

Chuyên mục khác