Thắt chặt tình hữu nghị qua mô hình kết nghĩa bản, làng biên giới Việt - Lào

04/10/2019 13:04

Từ các chương trình kết nghĩa, cộng đồng các DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam- Lào dễ dàng trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất, những việc làm hay; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với tỉnh Attapư và tỉnh Sê Kông (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào). Các tỉnh tiếp giáp trực tiếp với nhau có điều kiện tự nhiên tương đồng và có một số điều kiện xã hội giống nhau. Nhân dân dọc tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum và các tỉnh của Lào có mối giao lưu quan hệ lâu đời, thường xuyên qua lại thăm viếng, trao đổi hàng hóa lẫn nhau… tạo nên tình hữu nghị gắn bó keo sơn và mối quan hệ láng giềng đặc biệt.

Với 7 xã biên giới, tỉnh Kon Tum có 15 thôn (làng) giáp biên trên tổng số 61 thôn (làng); phía Lào có 9 thôn (bản) giáp biên trên tổng số 19 thôn (bản). Bởi vậy, cùng với việc tiếp tục tăng cường mối quan hệ chính trị như: Tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ tiếp xúc; triển khai thực hiện tốt các bản ghi nhớ hợp tác và thúc đẩy các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội như xúc tiến thương mại, đầu tư qua biên giới, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân..., từ năm 2013 đến nay, hoạt động kết nghĩa giữa các cụm bản, đơn vị, đồn biên phòng đóng chân ở khu vực biên giới được tỉnh Kon Tum chú trọng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng các DTTS sinh sống trên tuyến biên giới giữa hai nước gắn bó, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cụ thể, các tỉnh Kon Tum - Attapư, Kon Tum - Sê Kông tổ chức kết nghĩa giữa các cụm bản biên giới như giữa thôn Dục Lang (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) với bản Thông-cày-ộoc (cụm bản Văng-tắt, huyện Xản-xay, tỉnh Attapư); thôn Đăk Ung (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) với thôn Broong Nọi (Cụm bản Đăk Ba, huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông); thôn Đăk Book (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) với thôn Đăk Ba (Cụm bản Đăk Ba, huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông); thôn Iệc (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) với bản Phu Cưa (cụm bản Xổm Bun, huyện Phu Vông, tỉnh Attapư).

BĐBP tỉnh Kon Tum tặng tiền, hàng cứu trợ cho chính quyền tỉnh Attapư, Lào. Ảnh: Đức Nhuận. 

 

Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum kết nghĩa với Đồn Công an Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa, tỉnh Attapư; Đồn Biên phòng Đăk Xú, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum với Đại đội Biên phòng 541, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Attapư; Công an huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) và Công an huyện Phu Vông (tỉnh Attapư); Trường THCS Pờ Y, huyện Ngọc Hồi kết nghĩa với Trường THCS-THPT Nang Hèo, huyện Phu Vông…

Từ chương trình kết nghĩa này, cộng đồng các DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam- Lào dễ dàng trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất, những việc làm hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đều được bà con nhân dân trao đổi, học tập; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…

Các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum và các cấp các ngành của các tỉnh Attapư và Sê Kông cùng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân các bản, làng kết nghĩa kết quả công tác phân giới, cắm mốc và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào, tầm quan trọng của việc xác định đường biên giới trên đất liền bằng hệ thống cột mốc quốc giới; tổ chức cho nhân dân các bản, làng kết nghĩa trao đổi, học tập kinh nghiệm trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc.

Các đồn biên phòng phối hợp với UBND các xã biên giới tham mưu UBND 4 huyện biên giới ra quyết định công nhận thôn (làng), hộ gia đình, cá nhân thuộc xã biên giới đăng ký tham gia tự quản bảo vệ đường biên giới và cột mốc quốc giới; hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản an ninh trật tự thôn (làng) theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ..., góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ và nhân dân tại các xã biên giới tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn đường biên, cột mốc quốc giới, chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý biên giới.

Thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú, đến nay, tỉnh Kon Tum phối hợp với tỉnh Attapư và tỉnh Sê Kông hoàn thành công tác điều tra, khảo sát song phương về người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước trên địa bàn tỉnh, công bố và trao Quyết định nhập quốc tịch của mỗi nước cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới Việt Nam-Lào, phía tỉnh Attapư có 36 người, phía tỉnh Kon Tum có 21 người; tiếp nhận 3 hộ/6 người di cư tự do và kết hôn không giá thú không đủ điều kiện ở lại tỉnh Attapư, Lào cư trú.

Nhằm tiếp tục góp phần xây dựng mối quan hệ đặc biệt của cộng đồng các DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt, thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 4/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường hoạt động đối ngoại giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia trong tình hình mới”; thực hiện hiệu quả bản ghi nhớ về hợp tác đã ký kết với các tỉnh Nam Lào trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm xuyên biên giới và tiếp tục duy trì; tăng cường hơn nữa hoạt động kết nghĩa bản - làng giúp cho tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt của cộng đồng các DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào ngày càng gắn bó keo sơn.       

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác