Thành tựu nổi bật trong công tác giảm nghèo

06/02/2023 06:30

Từ khi thành lập lại tỉnh đến nay, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo, xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, một việc làm thường xuyên hàng năm. Chính nhờ đó, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông Sô Lây Tăng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho biết, khi mới thành lập lại tỉnh, Kon Tum hầu như chưa có gì. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Đời sống người dân nghèo nàn, lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 70%; tỷ lệ người dân mù chữ chiếm trên 50%...

“Trước tình hình ấy, Đảng bộ và chính quyền tỉnh họp bàn nhiều lần, đề ra các giải pháp tối ưu để thực hiện cho tốt công tác xóa đói, giảm nghèo. Huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung đầu tư cho giảm nghèo. Nhờ sự quyết tâm chính trị cao, trong đó có sự chỉ đạo thường xuyên, xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự vào cuộc của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, đến nay, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực” - ông Sô Lây Tăng chia sẻ.

Mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri. Ảnh: Q.Đ

 

Đơn cử, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, tổng kinh phí thực hiện các Chương trình được Trung ương giao là 265.917 triệu đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển 213.436 triệu đồng, vốn sự nghiệp 52.481 triệu đồng. Vốn ngân sách địa phương (vốn đối ứng, lồng ghép) 32.497 triệu đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển 21.344 triệu đồng, vốn sự nghiệp 11.495 triệu đồng).

Với nguồn vốn trên, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng vào việc hỗ trợ cho người dân để vươn lên thoát nghèo như đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn, triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo để cho người dân học tập; hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các công trình phụ trợ giúp người dân giảm nghèo. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người nghèo ở tỉnh ta đã nỗ lực vươn lên vì vậy, tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh hộ nghèo giảm còn 16.142 hộ, chiếm tỷ lệ 11,01% so với tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 4,31%, đạt 107% so với kế hoạch.

Đơn cử như tại huyện Ngọc Hồi, giai đoạn 2002-2022, Ngân hàng CSXH huyện giải ngân 444.406 triệu đồng cho hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế-xã hội. Nguồn vốn đã hỗ trợ cho gần 46.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm, học tập. Cụ thể, đã giúp cho 15 lao động có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài; hơn 3.000 học sinh, sinh viên được trang trải chi phí học tập; hơn 300 học sinh mua máy tính phục vụ học trực tuyến; xây dựng và sửa chữa gần 22.000 công trình nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường; duy trì và tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động, giúp cho hơn 11.000 hộ vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, gia đình chị Y Hiền đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Ảnh: QĐ

 

Trước đây, gia đình chị Y Hiền (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) nghèo lắm, làm quanh năm suốt tháng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Năm 2012, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện đầu tư trồng 1,2 ha cao su; nuôi 4 con bò, 12 con heo đen và heo sọc dưa. Ngoài ra, 2 vợ chồng còn nhận khoán 2,7ha cao su của Nông trường Cao su Dục Nông với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Năm 2017, chị bán 4 con bò, trả nợ vay cũ và vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư nuôi hơn 100 con gia cầm và tăng đàn heo lên hơn 20 con. Nhờ biết cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, tích luỹ vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất, gia đình chị có thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình chị trả hết nợ vay, xây nhà khang trang, có cuộc sống ổn định và thoát khỏi danh sách hộ nghèo năm 2020.

Tương tự, tại huyện Đăk Hà, nhờ thực hiện tốt các giải pháp công tác giảm nghèo, năm 2022, huyện Đăk Hà giảm được 1.301 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện so với đầu năm là 6,74%, vượt chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao (3,7%) và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra (giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-4%/năm).

Đáng chú ý, các huyện nghèo như Kon Plông, hộ nghèo còn 2.741 hộ, chiếm tỷ lệ 35,96% so với tổng số hộ, giảm 8,44%, đạt 120% so với kế hoạch; Tu Mơ Rông hộ nghèo còn 2.846 hộ, chiếm tỷ lệ 40,87% so với tổng số hộ, giảm 11,24%, đạt 140% so với kế hoạch; Ia H’Drai hộ nghèo còn 697 hộ, chiếm tỷ lệ 20,23% so với tổng số hộ toàn huyện, giảm 20,5%, đạt 252% so với kế hoạch.   

Quang Định

Chuyên mục khác