Thanh tra tỉnh: Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng

22/11/2021 06:04

Trong nhiều năm qua, Thanh tra tỉnh tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành; đồng thời, tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương làm trong sạch bộ máy, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Chánh Thanh tra tỉnh A Vượng cho biết: Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về PCTN giai đoạn 2019-2021”, trong năm qua, Thanh tra tỉnh tổ chức 713 cuộc tuyên truyền, PBGDPL về PCTN bằng nhiều hình thức (lồng ghép nội dung PCTN trong các đợt tuyên truyền PBGDPL, các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn, học tập chuyên đề, đăng tải và cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN), có 32.148 lượt người tham gia

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cử 16 công chức tham gia lớp bồi dưỡng pháp luật về PCTN và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn do Trường Cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ tổ chức; đăng tải 484 tin bài, 6 chuyên mục liên quan đến công tác PCTN trên sóng phát thanh, truyền hình, Báo Kon Tum, Cổng thông tin điện tử tỉnh. Đặc biệt, Thanh tra tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về PCTN” do Thanh tra Chính phủ tổ chức đến các đơn vị trong tỉnh để vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) và nhân dân tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 48 đơn vị tham gia với 5.711 bài dự thi, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của CBCCVC-NLĐ và nhân dân vào quyết tâm PCTN.

Thanh tra tỉnh tổ chức Hội nghị công chức và người lao động năm 2021. Ảnh: T.V.P 

 

Ngoài ra, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong các đơn vị, các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện công khai theo quy định của pháp luật đối với việc: Mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; quản lý đất đai, tài sản công; công tác tổ chức - cán bộ; công bố công khai các thủ tục hành chính, các loại biểu mẫu, quy trình, thời gian giải quyết, mức thu các loại phí, lệ phí; số điện thoại đường dây nóng của người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh của tổ chức và công dân. Việc thực hiện công khai, minh bạch của các đơn vị thông qua nhiều hình thức như: niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị, trang thông tin điện tử, phát hành ấn phẩm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương...

Về việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, toàn tỉnh có 66 đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh có trách nhiệm kê khai với tổng số 5.447 người và đã có 5.441 người thực hiện kê khai, đạt 99,89 %. Trong đó, 100% số bản kê khai được công khai, 2.599 bản kê khai được công khai bằng hình thức niêm yết và 2.842 bản kê khai được công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng và triển khai đề án không giao dịch tiền mặt tại 6/9 Kho bạc Nhà nước huyện trực thuộc, hướng đến Kho bạc Nhà nước “3 không” (không tiền, không người giao dịch, không chứng từ giấy). Theo đó, toàn tỉnh đã có 975 đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; trong đó, 973 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản, đạt 99,8% và 2 đơn vị chưa thực hiện trả lương qua tài khoản, chiếm 0,2% (nguyên nhân là do trụ sở đóng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, không có ngân hàng phục vụ và không thuộc đối tượng bắt buộc thực hiện).

Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh đã phát hiện sai phạm có dấu hiệu hình sự và kiến nghị chuyển hồ sơ, tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, làm rõ 1 vụ vi phạm về chấp hành các quy định của nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng, chống cháy rừng; quản lý tài chính tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Đăk Glei.

Chánh Thanh tra tỉnh A Vượng khẳng định: Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCTN, các đơn vị trong tỉnh như Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, ban thanh tra nhân dân luôn có sự phối hợp, tham gia giám sát, góp ý kiến đảm bảo dân chủ, góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng. Những kết quả đóng góp đó được thể hiện rõ nét qua việc tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức của CBCCVC-NLĐ và nhân dân về biểu hiện, tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN. Thông qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài sản nhà nước, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp phép xây dựng, kinh doanh, các khoản thu chi phí, lệ phí...    

Văn Phúc

Chuyên mục khác