Thành phố Kon Tum: Xây dựng khu giết mổ tập trung - mong đừng lỗi hẹn

24/11/2019 06:10

Sau nhiều năm loay hoay với việc tìm quỹ đất rồi lại hoãn vì nhiều lý do, nhiều người đặt câu hỏi liệu rằng công trình khu giết mổ tập trung của thành phố Kon Tum có được triển khai và đưa vào sử dụng đúng hẹn?

Việc chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo ngành chức năng các cấp làm tốt công tác quản lý trong hoạt động giết mổ sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này, hầu như các cấp, các ngành đều nhận thức rõ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan), cho đến nay hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Kon Tum vẫn còn nhiều bất cập, chưa xây dựng và đưa vào hoạt động khu giết mổ tập trung.

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, không ít ý kiến của người dân phàn nàn về tình trạng lò giết mổ gia súc nằm rải rác trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều người bày tỏ lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi nhiều lò mổ tư nhân không phép, không đảm bảo các yêu cầu và chưa thực hiện nghiêm túc quy trình giết mổ an toàn, nhưng hằng ngày vẫn cung cấp ra thị trường hàng tấn thịt heo và thịt bò.

Theo số liệu thống kê của UBND thành phố Kon Tum, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 61 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động; các điểm giết mổ này đều là của tư nhân và có chung thực trạng nhỏ lẻ, chủ yếu là tận dụng vị trí sinh hoạt của hộ gia đình; chỉ có 20 cơ sở có giấy phép kinh doanh, còn lại các cơ sở đều hoạt động tự phát, nằm rải rác khắp các xã, phường.

Ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum thừa nhận: Việc các lò giết mổ nằm rải rác và phần lớn không có phép khiến cho công tác kiểm soát hoạt động giết mổ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề như quản lý nguồn gốc động vật, kiểm tra dịch bệnh đối với gia súc trước khi giết mổ; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt heo, bò trước khi đưa ra thị trường. Việc tồn tại các điểm giết mổ nằm xen lẫn trong các khu dân cư còn gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và nguy cơ lây lan dịch bệnh, khó kiểm soát.

Việc quản lý hoạt động giết mổ và việc đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được nâng lên khi thành phố có khu vực giết mổ tập trung. Ảnh: TH

 

Trước thực trạng này, thời gian qua, các lực lượng chức năng cùng với UBND xã, phường của thành phố Kon Tum phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh giết mổ động vật trên địa bàn hoạt động đúng theo quy định, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

Các hoạt động trên chỉ là giải pháp tình thế trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm nhằm góp phần hạn chế tình trạng giết mổ, kinh doanh thực phẩm không an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tránh gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân ở địa phương cơ sở. Để quản lý hiệu quả hoạt động giết mổ thì việc đưa các cơ sở giết mổ gia súc vào khu tập trung mới thực sự là giải pháp căn cơ.

Thế nhưng, từ nhiều năm nay, dự án xây dựng và đưa vào hoạt động khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của thành phố Kon Tum vẫn chưa thực hiện được và người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum vẫn phải khổ sở với các cơ sở giết mổ gia súc tự phát và thấp thỏm với nỗi lo an toàn thực phẩm.

Nói về nguyên nhân việc chậm trễ trong triển khai xây dựng khu giết mổ tập trung trên địa bàn thành phố Kon Tum, ông Nguyễn Thanh Mân lý giải: Năm 2017, UBND thành phố tiến hành phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật (điều chỉnh) xây dựng công trình Lò giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn thành phố Kon Tum, địa điểm đặt tại thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi nhiều hộ dân không đồng ý với đơn giá bồi thường thành phố phê duyệt nên không bàn giao mặt bằng để triển khai thi công công trình. Mặt khác, theo quy định, cơ sở giết mổ động vật tập trung phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư và nguồn nước mặt là 500m thì địa điểm xây dựng Lò giết mổ gia súc tập trung tại vị trí làng Kon Rờ Bàng là không phù hợp. Do đó, thành phố Kon Tum phải lập các thủ tục mở rộng đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới cho phù hợp tại tổ 1, phường Ngô Mây.

Công trình đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 92/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 và được UBND thành phố KonTum ban hành Quyết định triển khai chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3013/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 và hiện nay đang trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật (điều chỉnh lần 2). Dự kiến, trong quý I/2020, công trình sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý II/2020 – ông Nguyễn Thanh Mân khẳng định.

Song song với việc xúc tiến xây dựng khu giết mổ tập trung, thành phố Kon Tum tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ kinh doanh giết mổ nhận thức đúng và tự giác đưa hoạt động giết mổ vào khu vực tập trung khi công trình hoàn thành. Chính quyền thành phố Kon Tum cũng đang tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác của khu giết mổ khi đưa vào hoạt động và hạn chế được tình trạng giết mổ tự phát, nhỏ lẻ.

Chỉ khi thành phố Kon Tum xây dựng được khu giết mổ tập trung bài bản thì mới giải tán các điểm giết mổ nhỏ lẻ, và khi đó công tác quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh sẽ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, sau nhiều năm loay hoay với việc tìm quỹ đất rồi lại hoãn vì nhiều lý do, nhiều người đặt câu hỏi liệu rằng công trình khu giết mổ tập trung của thành phố Kon Tum có được triển khai và đưa vào sử dụng đúng hẹn?

Thiết nghĩ, việc trả lời thuyết phục câu hỏi trên của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của các cấp chính quyền và ngành chức năng của thành phố Kon Tum trong công tác triển khai xây dựng khu giết mổ tập trung sau một thời gian lỗi hẹn.

Thiên Hương

Chuyên mục khác