26/08/2018 07:37
Khó giải quyết việc làm
Với thực tế đất sản xuất trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp, những năm qua, xã Vinh Quang hướng đến việc đào tạo nghề phi nông nghiệp để tạo nhiều cơ hội việc làm cho bà con. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, UBND xã đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố đào tạo được 2 lớp: nghề may dân dụng và sửa chữa xe máy cho 53 học viên.
Sau 3 tháng tham gia khóa học nghề may, chị Y Sam, thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang tự chắt chiu, mua máy may, mở tiệm. Là một trong số ít những tiệm may ở làng, lại vào thời điểm gần năm học mới, chị nhận được khá nhiều đơn hàng. “Mình vừa làm vừa mày mò học thêm. Nghề này nhàn hơn làm ruộng, lại cho mình thu nhập cơ bản” – chị Sam vui vẻ.
|
Tuy nhiên, chị Sam chỉ là 2 trong số 53 học viên may mắn có được việc làm và thu nhập từ nghề được đào tạo. “Đối với một số ngành nghề phi nông nghiệp như sửa chữa xe máy, may, đòi hỏi chuyên sâu nhưng thời gian đào tạo quá ngắn, học viên chưa nắm bắt hết kiến thức, nội dung để có thể áp dụng vào thực tiễn. Tay nghề chưa vững, do đó xin việc, tạo việc làm sau đào tạo nghề rất khó”- bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang bày tỏ.
Ngoài ra, việc khó khăn về nguồn vốn, không tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng là một trong những hạn chế khiến những người học nghề xong tiếp tục… thất nghiệp. Đơn cử như chị Y Blek, thôn Kon Rờ Bàng 1, tốt nghiệp lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, chị được tặng khung dệt để sống với nghề. Vậy nhưng, đến nay, khung dệt được dẹp gọn vào góc bếp, khi nào rảnh rỗi chị mới lấy ra “ôn” nghề.
Cũng như chị Blek, hơn 20 học viên cùng lớp, sau khi học nghề xong đều lao đao, chật vật tìm hướng đi. “Vốn mua chỉ, mua sợi khá nhiều, trong khi đó việc bán sản phẩm lại rất khó khăn nên chúng tôi chỉ dệt để sử dụng trong gia đình, không sống với nghề được”- chị Blek giải thích.
Nhằm phục vụ nhân lực cho tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa…, thành phố Kon Tum đã hỗ trợ hơn 2.400 lao động nông thôn học nghề, trong đó nghề phi nông nghiệp là gần 1.100 người, nghề nông nghiệp là hơn 1.300 người. Nhưng thực tế chỉ có khoảng 50% số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề.
Nhiều vướng mắc
Ngoài khó khăn trong giải quyết việc làm, xung quanh việc đào tạo nghề cũng còn nhiều vướng mắc.
Những ngành nông nghiệp được đào tạo: trồng mì, nuôi và phòng trị bệnh cho bò, gà, heo… hết sức thiết thực. Tuy nhiên, vì thời gian đào tạo quá dài (3 tháng/lớp) nên nhiều người không sắp xếp thời gian theo học.
Như tại xã Chư Hreng, năm 2017, các lớp đào tạo mủ cao su nơi đây thu hút gần 100 lao động nông thôn tham gia. Tuy nhiên, có nhiều người không hoàn thành chương trình học.
Qua tìm hiểu được biết, người dân cơ bản thống nhất với quy trình đào tạo nghề cơ bản và có nhu cầu rất cao trong việc đào tạo nghề nông nghiệp. Tuy nhiên quy định về thời gian đào tạo chưa hợp lý nên nhiều người không tham gia hoặc bỏ dở.
Hay tại xã Đăk Blà, ban đầu lớp học nghề chăn nuôi – thú y có 33 học viên nhưng đến cuối khóa chỉ còn 16 học viên bám trụ. Nhiều học viên cho biết phải nghỉ học giữa chừng do thời gian khóa đào tạo kéo dài.
“Việc đào tạo nghề chăn nuôi bò không nhất thiết phải đào tạo đến 3 tháng. Chúng tôi còn phải làm đồng áng, không thể theo học đến cùng” – một học viên bày tỏ.
Theo phản ánh của lãnh đạo một số xã và các học viên trên địa bàn thành phố, thời gian 3 tháng cho khóa đào tạo nghề phi nông nghiệp quá ngắn, kiến thức học viên tiếp thu chưa đủ làm nghề. Ngược lại, 3 tháng – khoảng thời gian này lại quá dài đối với những lớp đào tạo nghề nông nghiệp nên người lao động ít tham gia học vì công việc đồng áng.
Bên cạnh bất cập về thời gian đào tạo, các điều kiện mở lớp cũng gây khó khăn trong đào tạo nghề.
Đầu năm 2018, xã Chư Hreng phối hợp mở lớp đào tạo chăn nuôi bò với 75 học viên đăng ký. Nay đã hơn nửa năm, nhưng vì nhiều vướng mắc, lớp chăn nuôi này vẫn chưa hoàn thành.
Còn tại xã Vinh Quang, năm 2018, xã vận động được 1 lớp may dân dụng, tuy nhiên, chưa đủ điều kiện để mở nên xã có hướng vận động người lao động chuyển đổi sang học một số nghề khác.
Nhìn nhận những khó khăn, ông Phan Thành Trung – Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố cho biết: Trên địa bàn thành phố không có cơ sở dạy nghề trực thuộc UBND thành phố nên phải ký kết hợp đồng với các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đứng chân trên địa bàn để triển khai thực hiện. Chính vì vậy, tiến độ triển khai thực hiện phụ thuộc vào cơ sở đào tạo nghề.
Hơn thế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã, phường chủ yếu do cán bộ LĐ-TB&XH kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đồng thời, trình độ học vấn của người lao động còn thấp nên công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn...
Dự kiến từ năm 2017 đến năm 2020, thành phố Kon Tum tiếp tục đào tạo nghề cho gần 2.300 lao động nông thôn, trong đó có hơn 1.000 lao động phi nông nghiệp. Tuy nhiên, với nhiều vướng mắc như hiện nay, để đào tạo hiệu quả, đảm bảo việc làm cho người lao động đang là một thách thức.
Trước thực trạng trên, ông Trung cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Trong thời gian đến, để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, sẽ tập trung tuyên truyền vận động người lao động trong độ tuổi tham gia đăng ký học nghề. Đồng thời, ông mong muốn cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để giải quyết được “nút thắt” việc làm cho người lao động.
Bình An