24/04/2019 06:03
“Theo sự vận động của chính quyền địa phương, hộ tiểu thương chúng tôi đã chuyển từ việc kinh doanh trên vỉa hè tại tuyến đường Hoàng Văn Thụ để vào chợ 16/3. Tuy nhiên, doanh thu của chúng tôi năm vừa rồi giảm 1/3 so với các năm trước. Bởi đa phần khách hàng đều mua tại các hộ kinh doanh bên ngoài đường, rất ít người chịu khó đi vào trong chợ” - anh Nguyễn Hoàng Đức, tiểu thương chợ 16/3, thành phố Kon Tum chia sẻ.
Chợ 16/3 nằm trên địa bàn phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, được xây dựng từ năm 2018. Chợ có 170 gian hàng và phân thành các khu cho hàng khô, hàng tươi sống và hàng rau củ. Để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại đây, Ban quản lý chợ thành phố Kon Tum đã bố trí điện, nước và người thu gom rác thải hàng ngày. Mặc dù đã được trang bị đầy đủ như vậy, nhưng trên thực tế, đa số các gian hàng còn để trống.
Lý giải về tình trạng này, ông Cao Quang Vinh – Trưởng ban Quản lý chợ thành phố Kon Tum cho biết: Vào thời gian đầu, khi chợ 16/3 được thành lập, có 75% số hộ tiểu thương đăng ký thuê tại các gian hàng. Tuy nhiên, sau thời gian kinh doanh không hiệu quả, nhiều hộ lại chuyển ra ngoài.
Anh Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ thêm: Đa số các hộ kinh doanh trong chợ buôn bán đều thất thu, vậy nên họ lần lượt rời đi hết. Thậm chí, trong đó có những hộ đã đóng tiền thuê các gian hàng, nhưng rồi cũng quyết định bỏ chợ…
Không có khách hàng, các tiểu thương kinh doanh trong chợ ế ẩm, doanh thu sa sút, đa phần đều bị rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Chị Phạm Thị Quảng - tiểu thương chợ 16/3 chia sẻ: Tình trạng ít khách hàng vào trong chợ đã diễn ra một thời gian. Các hộ tiểu thương chúng tôi, nếu chấp hành theo quy định của chính quyền thì sẽ không có khách. Còn nếu đổ ra ngoài đường buôn bán sẽ bị Đội trật tự của UBND phường Quyết Thắng thu giữ hàng hóa. Vậy nên, rất mong chính quyền địa phương nghiên cứu, có hướng giải quyết phù hợp để chúng tôi có thể kinh doanh, buôn bán ổn định.
|
Nằm trên địa bàn phường Quyết Thắng, chợ Trung tâm thương mại cũng đang vấp phải tình trạng tương tự. Được xây dựng bài bản và có đầy đủ các nhu cầu thiết yếu về điện nước để kinh doanh, tuy nhiên đa số các hộ tiểu thương đều bỏ chợ ra đi, cũng bởi ế ẩm. Được biết, thời gian đầu tỷ lệ thuê các gian hàng kinh doanh trong chợ khoảng 80%, nhưng giờ đây gian hàng trống rất nhiều.
Ông Cao Quang Vinh cho biết, chợ Trung tâm thương mại là một trong những chợ lớn nhất Kon Tum, cung cấp sỉ cho các chợ địa phương khác. Nhưng hiện tại, vì nhiều lí do, các hộ kinh doanh ở đây chỉ duy trì việc buôn bán nhỏ lẻ, cầm chừng.
Theo chia sẻ của ông Vinh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bởi đa số khách hàng đến chợ đều theo tâm lý “ngồi trên xe để mua cho tiện”. Thế nên, các hộ kinh doanh đều nối đuôi nhau ra đường buôn bán. Khi các mặt hàng vốn phải mua trong chợ, nay đều được bày bán bên ngoài, thì không còn mấy ai mặn mà với việc gửi xe và đi vào trong chợ nữa.
Tình trạng tiểu thương bỏ chợ, lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán đã làm phát sinh ra nhiều vấn đề, đặc biệt là về an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Chị Trần Thúy Quỳnh - một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Đường Hoàng Văn Thụ là tuyến đường quen thuộc mỗi ngày tôi đưa đón con đi học. Tuy nhiên cứ tầm buổi chiều, các hộ kinh doanh buôn bán lại tràn ra, chiếm gần 1/2 lòng đường. Vậy nên, chúng tôi đành chọn cách đi vòng qua các tuyến đường khác, thay vì đi thẳng đường Hoàng Văn Thụ.
Cùng với tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, vấn đề vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nước bẩn, rác thải từ các hộ tiểu thương kinh doanh buôn bán xả ra lòng đường, đặc biệt là những hộ buôn bán những mặt hàng sống như: cá, thịt, gia cầm… gây hôi thối, bốc mùi khó chịu.
Ông Trần Minh Tấn - Trưởng phòng Môi trường, Công ty CP Môi trường Đô thị Kon Tum cho biết: Tại những khu chợ tự phát, đa số người dân đều không hề có những dụng cụ đựng rác, phần lớn rác thải đều bị xả tràn lan ra ngoài đường. Cứ hễ nơi nào có chợ tự phát, là vấn đề vệ sinh môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi ngoài việc dọn dẹp vệ sinh ban ngày, (buổi sáng từ 7h đến 10h, buổi chiều từ 14h đến 16h) ban đêm còn phải tăng ca để giải quyết các vấn đề về vệ sinh môi trường.
Đội trật tự của UBND các phường trên địa bàn cũng đã thành lập tổ rà soát để xử lý các hộ tiểu thương vi phạm, tuy nhiên cũng chưa thật sự hiệu quả. Tại các tuyến đường có các khu chợ tự phát, hình ảnh buổi sáng hoàn toàn trật tự, quang đãng, buổi chiều lại tấp nập kẻ mua người bán, đã gần như quá quen thuộc với các hộ dân sinh sống tại đây.
Ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Trên địa bàn thành phố Kon Tum, vấn đề quản lý trật tự đô thị, lấn chiếm lòng lề đường đã có nhiều tiến bộ hơn trước, tuy nhiên về tổng thể vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tại một số điểm nóng, người dân vẫn tiếp tục lấn chiếm lòng lề đường khi không có lực lượng chức năng. Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành ra quân, chấn chỉnh tình hình buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. UBND thành phố Kon Tum đã lắp đặt 10 hệ thống camera giám sát 24/24. Những hành vi vi phạm sẽ được xử lý qua hệ thống camera. Nhờ vậy, việc quản lý đô thị từng bước được siết chặt hơn. Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng tiểu thương buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường, UBND thành phố Kon Tum bố trí thêm các điểm chợ tạm trong thời gian tạm thời, để tạo chỗ cho người dân kinh doanh, buôn bán. UBND thành phố yêu cầu các hộ dân kinh doanh tại các điểm theo sự sắp xếp của thành phố, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Việc quy hoạch các khu chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum nhằm giải quyết cơ bản tình trạng tiểu thương bỏ chợ, lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán… vẫn còn là bài toán cần tiếp lời giải. Vấn đề này, bên cạnh sự quan tâm, phối hợp và vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành liên quan, cũng rất cần sự chung tay hưởng ứng của các hộ tiểu thương, nhằm góp phần xây dựng thành phố Kon Tum ngày một văn minh, sạch đẹp.
Tất Thành