Thành phố Kon Tum: Trồng đồng bộ cây me tây trong trường học

30/10/2018 07:01

​Với mong muốn tạo cảnh quan trường học xanh sạch đẹp, đồng thời đảm bảo an toàn cho học sinh, Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum đã triển khai trồng đồng bộ cây xanh (cụ thể là cây me tây) tại 25 trường trực thuộc. Đến nay, các trường đã tập trung trồng, chăm sóc, thay thế các loại cây bị sâu hại, gây nguy hiểm cho học sinh.

Trường Tiểu học Kơ Pa Kơ Lơng, xã Đăk Blà được thành lập từ năm 2004. Ngay khi xây dựng, hệ thống cây xanh cũng được nhà trường phát triển, tuy nhiên, không được bố trí theo hàng lối, khuôn khổ.

“Trong trường có khoảng hơn 100 cây xanh nhưng chủ yếu là cây xà cừ. Bây giờ xà cừ phát triển, rễ ăn sâu, phá bề mặt sân trường; hơn thế, vào mùa mưa bão gây nguy hiểm cho học sinh” – cô Nguyễn Thị Thương – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trước thực trạng đó, ngay khi được Phòng GD&ĐT triển khai việc trồng cây xanh, nhà trường liền đăng ký 20 cây me tây để trồng, thay thế các cây đã già cỗi, gây nguy hiểm. Sau khi được cấp, nhà trường đã tiến hành trồng trước cổng trường và phía sau các phòng học để tạo cảnh quan mát mẻ.

“Được cấp cây xanh kịp thời, chúng tôi rất phấn khởi và bố trí trồng theo hàng lối, phù hợp. Sau khi trồng, thầy cô và các em học sinh cùng chăm sóc để cây nhanh phát triển, tỏa bóng mát” – cô Thương nói.

Cô trò trường Tiểu học Đặng Trần Côn tập trung trồng và chăm sóc cây me tây

 

Ngoài điểm trường chính có hệ thống cây xanh, bóng mát đảm bảo, 2 điểm trường lẻ (điểm trường Plei Trum và Đăk Choăh) của Trường Mầm non Hoa Sữa, phường Ngô Mây đang thiếu cây xanh.

Như tại điểm trường Đăk Choăh, cây cối thành nơi trú ngụ của loài sâu, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều em nhỏ. Còn tại điểm trường Plei Trum, vì mới được xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm học 2018-2019 nên hoàn toàn chưa có cây xanh, bóng mát.

“Vừa qua, nhà trường dự định mua cây bàng Nhật Bản về trồng để tạo bóng mát ở điểm trường Plei Trum và thay thế cây bàng, cây sung ở điểm trường Đăk Choăh, tuy nhiên kinh phí chưa cho phép nên đã dừng lại. Ngay lúc đó, được cấp cây me tây, nhà trường rất phấn khởi và đăng ký 10 cây về trồng” - cô Lê Thị Mai Thơm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa chia sẻ.

Ngay sau khi nhận cây, ngoài sự giúp sức của giáo viên, phụ huynh cũng phấn khởi đến tham gia trồng, giúp các cô chăm sóc. Chị Y Lươm, làng Đăk Choăh bày tỏ: Để các cháu học, chơi dưới tán cây nhiều sâu, chúng tôi cũng lo lắm. Chính vì vậy, ngay khi biết nhà trường trồng bổ sung cây mới, mình cùng một số phụ huynh khác ra phụ giúp đào hố, trồng.

Có hệ thống cây xanh mát mẻ trong sân trường, tuy nhiên, tại khu quy hoạch để làm sân bóng mini, khu tập luyện thể dục thể thao lại chưa có loại cây trồng phù hợp nên Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, xã Ngọc Bay đã đăng ký 10 cây me tây về trồng. Sau khi trồng, nhà trường đã giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách chăm sóc.

“Me tây tán rộng, ít sâu bệnh, rất phù hợp với cảnh quan nhà trường. Hiện tại, đa số cây xà cừ trong sân trường quá cao, to, gây nguy hiểm cho học sinh, nhà trường cũng có ý định sẽ thay thế bằng cây me tây để đảm bảo an toàn” – cô Đậu Thị Lan – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Với mục đích tạo cảnh quan nhà trường xanh, sạch đẹp, Phòng GD&ĐT thành phố đã tham mưu với UBND thành phố trích kinh phí để đồng bộ cây xanh trong các trường học. Theo đăng ký từ các trường, Phòng đã giao 340 cây về cho 25 trường.

“Qua tìm hiểu, nhận thấy cây me tây có tán rộng, ít sâu, hoa đẹp, gốc rễ ít gây hư hại bề mặt sân trường nên chúng tôi chọn loại cây này để trồng. Trong thời gian đến, cùng với sự hỗ trợ của UBND thành phố, Phòng sẽ chỉ đạo 82 trường trực thuộc chủ động kinh phí, trồng đồng bộ cây me tây, tạo cảnh quan, bóng mát, không khí trong lành, mát mẻ trong trường” – ông Thái Khắc Hòa – Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho biết.

Bình An

Chuyên mục khác